Thậm chí, đội ngũ lao động của Nhật Bản được đánh giá là chuyên nghiệp và
chăm chỉ hàng đầu thế giới, đến nỗi còn xuất hiện một tin đồn là họ không cần ngủ luôn. Về mặt khoa học thì tất nhiên điều này hoàn toàn không chính xác, vì ai mà chả cần ngủ. Tuy nhiên xét trên góc độ văn hóa và xã hội học, đây là một sự thật khá thú vị, vì người Nhật có "inemuri".
*Bài viết dựa theo quan điểm của Tiến sĩ Brigitte Steger, thuộc khoa nghiên cứu văn hóa Châu Á và Trung Đông, Đại học Cambridge (Anh Quốc).
Sự ra đời của "inemuri"
Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, nước Nhật bước vào giai đoạn bùng nổ phát triển về kinh tế. Trong giai đoạn này, đức tính cần cù chăm chỉ của người Nhật được thể hiện một cách rất rõ ràng. Mỗi ngày của một người Nhật thường được lấp đầy bởi công việc và các hoạt động vui chơi giải trí, hầu như họ không có
thời gian cho việc ngủ.
Lối sống như vậy khiến nhiều người cho rằng, người Nhật thực sự đang "điên cuồng" làm việc một cách tiêu cực. Nhưng người Nhật lại không nghĩ vậy. Trái lại, họ còn cảm thấy rất tự hào vì sự siêng năng có phần vượt trội so với nhân loại.
Tuy nhiên, song song với tinh thần bất diệt đó là một hình ảnh xuất hiện rất nhiều tại nơi công cộng: những người ngủ gật. Họ xuất hiện ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào: những chuyến tàu điện, xe buýt hay thậm chí cả trên đường phố, công viên.
Điều thú vị là những người Nhật lại không cảm thấy kỳ cục, mà trái lại họ coi hiện tượng này là chuyện rất bình thường. Đây là một trong những chuyện xảy ra "nhiều hơn cơm bữa" tại Nhật, đến nỗi có một thuật ngữ được ra đời dùng để gọi việc ngủ gật này, đó là "inemuri".
"Inemuri" được định nghĩa là "ngủ trong khi làm việc". Inemuri có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, từ những buổi họp công việc cho tới những tiết học trên giảng đường. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em, tất cả đều không ngại ngần khép đôi mi mỗi khi cảm thấy không thể chống lại cơn buồn ngủ.
Về mặt chiết tự, chữ "I" có nghĩa là "sự có mặt", còn "nemuri" có nghĩa là giấc ngủ. Người Nhật sử dụng thuật ngữ này để thể hiện rằng đây không phải là một giấc ngủ. Chính điều này đã khiến cả thế giới cho rằng người Nhật không bao giờ ngủ.
"Inemuri" có phải là một cách làm đúng đắn?
Việc ngủ, từ trước tới nay luôn được coi là một việc quan trọng trong
cuộc sống của con người. Mỗi người cần phải ngủ để nạp lại năng lượng cho mình, duy trì sức khỏe cơ thể và đồng thời còn tích trữ năng lượng để đem ra sử dụng vào ngày hôm sau.
Có điều thời Trung Cổ, con người ta đã áp đặt một quan niệm chung lên xã hội, đó là những ai thức khuya dậy sớm mới là người có đạo đức cao. Và người Nhật lại áp dụng quan niệm này một cách có phần không hợp lý.Các samurai trẻ tuổi thường dành thời gian vào ban đêm để đọc sách. Samurai nào
đọc sách đêm càng "hăng" sẽ càng được đánh giá cao về ý thức học tập và ý chí phấn đấu. Nhưng xét trong bối cảnh thời điểm đó, việc làm này sẽ chẳng đem lại lợi ích gì khi dầu sử dụng để đốt đèn sẽ khá tốn kém, còn việc học sẽ không thể đảm bảo khi có rất nhiều samurai ngủ gật ngay trên bàn học.
Qua thời gian, quan niệm "thức khuya dậy sớm" đã biến mất, nhưng inemuri thì vẫn còn. Đây được xem là một biện pháp để người Nhật tự "sạc" lại năng lượng cho bản thân, thậm chí là nên làm thường xuyên để giữ gìn sức khỏe. Miễn là ngay sau khi ngủ, người nhân viên lập tức đưa mình trở lại guồng công việc, đóng góp một cách tích cực cho xã hội.
Những cơn bão, động đất, sóng thần luôn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người dân Nhật Bản. Để khắc phục những điểm yếu về thể chất, tinh thần trách nhiệm cao và tính kiên cường bất diệt của người Nhật sẽ là nguồn năng lượng để cơ thể họ có thể đối phó với công việc một cách trơn tru.
Tuy nhiên, đôi khi lực bất tòng tâm, người Nhật sẽ sử dụng "inemuri" như một sự bao dung cho bản thân. Họ hiểu rằng công việc dù quan trọng đến mấy cũng phải ưu tiên cho sức khỏe, vì nếu muốn công việc được hoàn thành, trước tiên phải có một cơ thể khỏe mạnh.