Điện thoại di động trước nay luôn bị ác cảm, bị gán cho là thủ phạm khiến chúng ta lười biếng, thiếu cảm xúc, giảm thính lực... tuy nhiên, một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Journal of Medical Internet Research đã phần nào vớt vát lại danh dự cho thiết bị không thể thiếu này.
PHÁT HIỆN CÁC DẤU HIỆU TRẦM CẢM
Theo đó, smartphone được xác định là công cụ hữu hiệu có thể tiên đoán chính xác những dấu hiệu của người bị trầm cảm. Nghiên cứu được tiến hành trong hai tuần ở những người từ độ tuổi từ 19-58, kết quả cho thấy người trầm cảm thường dành trung bình 68 phút mỗi ngày cho thiết bị di động, trong khi người bình thường chỉ bỏ ra 17 phút mỗi ngày cho điện thoại.
Điều đáng nói là người trầm cảm không dùng điện thoại để tương tác với bạn bè mà chỉ lướt web, chơi game. Đây là một hành động mang tính đánh lạc hướng, giúp họ tạm thời không nghĩ tới những khó khăn trước mắt, các cảm xúc đau đớn hay những mối quan hệ rối rắm.
Ngoài khía cạnh thời gian, địa điểm cũng là một nhân tốt quan trọng để xác định một người có bị trầm cảm hay không. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu GPS trong điện thoại và tìm ra rằng những người trầm cảm chỉ lẩn quẩn quanh khu vực gần nhà và di chuyển tới ít địa điểm hơn người khác. Thêm vào đó, họ cũng thường đi làm trễ hơn người có tâm lý bình thường. Nhìn chung, người trầm cảm không thấy có hứng thú với bất kỳ hoạt động nào và cũng không có lịch làm việc chi tiết cho mỗi ngày.
Độ chính xác của phương pháp này lên tới 87%. Dữ liệu từ điện thoại di động còn đáng tin hơn mọi thể loại bảng khảo sát nào khác.