Một vị tiến sĩ mới vừa du học trở về nước vào trong một bưu cục để giải quyết công việc. Trong đó có một nhân viên có thái độ vô cùng không tốt, vị tiến sĩ này bị chọc giận đến tức điên, liền trở về nói với người bạn cũng là trưởng phòng của bưu cục: “Ông hãy thay tôi dạy cho anh ta một bài học. Cũng cảnh cáo anh ta về thái độ làm việc của mình”.
Người bạn chỉ cười gượng, gật gật đầu…
Vài ngày sau, vị tiến sĩ lại đến bưu cục làm việc, không ngờ lại gặp người nhân viên phụ trách kia, nhưng thái độ của anh ta không những không thay đổi mà ngược lại còn tìm mọi cách gây khó dễ, khiến vị tiến sĩ càng thêm tức giận.
Vị tiến sĩ lại tiếp tục đến nói chuyện với người bạn trưởng phòng, trách móc một hồi: “Ông hãy đi nói cho nhân viên đó biết về thân phận của tôi, nói hắn nên khách khí một chút”.
Hai ngày sau, tiến sĩ đi tới bưu cục làm việc lại gặp nhân viên kia, nhưng lần này anh ta không những không làm khó dễ, ngược lại còn tỏ vẻ tươi cười, thái độ thân thiết.
Vị tiến sĩ rất đắc ý, trở về gọi điện thoại cho người bạn, hỏi: “Lần này ông đã thay tôi giáo huấn cho tên nhân viên đó một bài học rồi hả?”
Vị bằng hữu trả lời: “Không, tôi không thay ông giáo huấn mà chỉ nói cho anh ta biết, rằng ông không ngừng tán thưởng cách làm việc cẩn thận của anh ta”.
Vị tiến sĩ kinh ngạc không nói được lời nào, bằng hữu tiếp lời: “Nhiều khi cúi mình còn hữu dụng hơn nhiều so với đầu ngẩng cao”.
Khom lưng, đôi khi còn cao hơn đứng thẳng, tâm thái thấp so với tâm thái cao thường lại có thể đạt được mục đích, thái độ khiêm tốn có khi còn được nhiều người tôn trọng hơn thái độ cường bạo, thậm chí có thể từ miệng của đối phương học được những điều mới.
Rất nhiều người thường có một loại hiểu sai, cảm thấy rằng khi mình ở thế thượng phong thì có thế cưỡng chế người khác, thể hiện rằng bản thân rất giỏi, nhưng phương thức lại thường ngược lại hoàn toàn, còn khiến cho những người ở sau lưng xì mũi coi thường mà chính mình lại hồn nhiên không biết.
Cái gọi là cường giả nên là người có năng lực giỏi, chứ không phải chỉ là “người có thái độ cường bạo”. Trên thực tế, một người có năng lực giỏi lại có thái độ uyển chuyển, mới có khả năng đột phá chướng ngại, khiến mọi việc trở nên thuận lợi, mới thật sự là người thông minh.
Người xưa có câu: “Biết cúi đầu mới là trưởng thành, biết hạ mình mới là cao thủ”. Quả thực trong cuộc sống, càng là người học rộng, tài cao, hiểu biết nhiều thì càng hiểu được phải khiêm tốn, hiểu được rằng làm người phải học và biết cách “cúi đầu”!
Một hôm có người hỏi Socrates – triết gia Hy Lạp cổ đại: “Ông là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, ông có biết khoảng cách giữa trời và đất là bao nhiêu không?”
Socrates trả lời: “Ba thước”. (Ghi chú: Một thước = 0.33 m)
Người này tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Thưa ông, ngoài trẻ con ra thì con người chúng ta ai cũng cao 5, 6 thước, nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 thước, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”
Socrates tiếp tục nói: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”.
Câu chuyện cổ xưa này chính là nói cho chúng ta biết một đạo lý, “cúi đầu” chính là một cách ứng xử đúng mực, một cách nhìn xa trông rộng trong cuộc sống.