Không phán xét người khác cũng là một kiểu tu dưỡng
Trong cuốn "Lý thuyết về các tình cảm luân lý", tác giả Adam Smith từng viết:
"Sự cảm thông không bắt nguồn từ việc nhìn thấy cảm xúc của người khác, mà phải nhìn vào tình huống gây ra cảm xúc ấy của họ".
Tương tự như "cộng hưởng cảm xúc", nhiều lần chúng ta vẫn thường đánh giá đối phương thông qua những "sự kiện" liên quan tới họ mà không nhìn vào sự thật về người đó.
Không thể phủ nhận được rằng, mỗi người chúng ta dù ít dù nhiều đều từng mang trong mình chút cảm giác tự cao, tự đặt mình đứng trên đỉnh cao về đạo đức để chỉ điểm cho
cuộc sống của người khác.
Thế nhưng thời đại đang không ngừng đổi thay, con người cũng liên tục thay đổi. Cuộc sống của mỗi người chẳng ai giống ai. Vì thế, bạn không nên đem kinh nghiệm cuộc đời của mình để áp đặt vào cuộc đời của họ.
Không dễ dàng buông lời đánh giá, phán xét người khác chính là một kiểu tu dưỡng.
Bởi lẽ, nếu bạn không biết toàn bộ cuộc sống của họ, không thấu hiểu tất cả con người họ, bạn làm sao chỉ có thể dựa vào một vài cảnh tượng vụn vặt, một vài lời nói ngắn ngủi để đưa ra nhận định được đây?
Sống trong xã hội này, điều cần thiết nhất giữa người với người chính là học cách tôn trọng lẫn nhau. Việc không dễ dàng đánh giá, phán xét người khác chính là một kiểu tôn trọng.
Ngay cả khi ta biết được quan điểm của ta với một người nào đó không giống nhau, điều ta cần làm vẫn là tôn trọng họ, không ép họ tiếp nhận quan điểm của mình.
Không sống trong sự đánh giá của người khác là một loại trí tuệ
Cuốn "Trang Tử" từng lưu lại một câu chuyện thế này:
"Xưa kia, có một con đại bàng muốn vượt vạn dặm để bay ra biển. Nghe được câu chuyện này, ve và chim ngói châm biếm nói rằng:
'Chúng ta gắng sức mà bay, gặp phải cây du, cây tùng thì nghỉ chân. Có lúc bay không lên nổi thì đậu xuống mặt đất là được. Cần gì phải bay 9 vạn dặm tới biển làm chi?'."
Đối với cuộc sống này, mỗi người chúng ta có cách thấu hiểu khác nhau, theo đuổi những mục tiêu không giống nhau.
Thước đo của bạn không phải là thước đo của người khác, cái nhìn của người khác cũng không phải là cái nhìn của bạn. Cho nên, chớ để sự xét đoán từ thiên hạ ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta.
Chỉ cần không liên quan tới nguyên tắc đúng – sai, người khác nói điều gì, ta chỉ nên
lắng nghe một chút là tốt rồi. Chúng ta chẳng thể làm hài lòng cả thế giới, vậy cần gì phải vì người khác mà khiến bản thân mình phải tự chịu ấm ức?
Bạn chẳng cần phải khiến mình chết chìm trong miệng lưỡi thiên hạ. Bởi chúng ta sinh ra không phải để sống cho người khác nhìn, cũng không cần quan tâm tới ánh mắt và sự kỳ vọng của những người xa lạ, càng không cần đem họ ra so đo, ngại ngùng.
Sau tất cả, sống vui vẻ mới là điều quan trọng hơn hết thảy.
Những người ngoài kia vĩnh viễn chỉ là khán giả đứng xem cuộc sống của chúng ta, còn ta mới là người cầm lái cho chính cuộc đời mình.
Vì thế, việc ta bị bủa vây bởi miệng lưỡi thiên hạ là trạng thái hết sức bình thường. Nếu đời sống đã không cách nào tách khỏi dư luận, vây hãy cố gắng coi đó làm gió thoảng bên tai, để bản thân ta không bị chúng hủy hoại.
Đừng quên rằng, bạn chính là bạn, là độc nhất vô nhị trên thế giới này. Bạn không cần phải đặt mình lên bàn cân cùng người khác, càng không cần phải hùa theo những người ngoài kia.
Có một câu nói rất hay thế này: "Nếu bạn không mù thì đừng quen tôi qua miệng của người khác". Trong cuộc sống, sẽ có không ít người từ bỏ mối quan hệ với chúng ta vì những tin đồn tạo ra bởi thứ gọi là "miệng thiên hạ".
Nhưng việc của chúng ta không phải là buồn phiền vì điều ấy, mà thay vào đó càng phải nỗ lực sống cho thật tốt, nỗ lực khiến chính mình trở nên ưu tú.
Có như vậy, ta mới đủ tư cách để có được những mối quan hệ chân chính và bền vững, ta mới có đủ bản lĩnh để bỏ qua miệng đời, đủ sức mạnh để đạp lên dư luận mà sống.
Không dễ dàng buông lời phán xét người khác là một loại tu dưỡng, không sống trong lời đánh giá của người khác lại là một kiểu tu hành.
Người trưởng thành sẽ không dựa vào bề ngoài để đánh giá đối phương, càng không để mình "chết chìm" trong miệng lưỡi thiên hạ.