Những kẻ lạc đường:
Chọn lựa ngành nghề cũng chỉ là một trong vô số sự chọn lựa trong cuộc đời mỗi người, và cuộc đời chúng ta trở nên
hạnh phúc hay bất hạnh là từ những chọn lựa này, ở tầm nhìn ngắn hạn hay tầm nhìn dài hạn. Bài viết giới thiệu ý kiến của TS Phạm Thị Ly tham gia diễn đàn “Những kẻ lạc đường”.
Thật ra thì không chỉ tuổi mười tám, mà cuộc đời luôn luôn là một sự lựa chọn. Chúng ta làm điều này mà không làm điều khác, đi con đường này mà không đi con đường khác, làm nghề này mà không làm nghề khác, kết hôn với người này mà không phải là người khác, tất cả đều là kết quả của một sự lựa chọn. Và cuộc đời của chúng ta đạt được những thành tựu gì, trở nên như thế nào, hạnh phúc hay bất hạnh, có ích hay có hại cho xã hội là do cách chúng ta lựa chọn.
Tất nhiên, có những người có nhiều cơ hội lựa chọn hơn người khác. Nếu chúng ta bẩm sinh thông minh, xinh đẹp, có năng khiếu âm nhạc, hội họa, ca hát, nếu cha mẹ chúng ta giàu có, hẳn chúng ta có nhiều thứ để mà chọn lựa. Nhưng kể cả khi không có những ưu thế đó, chúng ta vẫn có vô số lựa chọn mà mình phải quyết định.
Có những cơ hội lựa chọn do may mắn, do gia thế mà có. Nhưng phần chủ yếu vẫn là những cơ hội do chính chúng ta tạo ra. Năng lực tạo ra cơ hội cho chúng ta lựa chọn. Nếu chúng ta không có năng lực thì cơ hội có đến cũng sẽ trôi qua. Chúng ta cần nhận biết được tất cả những khả năng lựa chọn mà mình có và tạo ra thêm nhiều khả năng lựa chọn mới.
Sự lựa chọn quan trọng như vậy, cho nên bài học về sự lựa chọn là bài học thiết yếu nhất của cuộc đời. Cái gì quyết định sự lựa chọn của chúng ta?
Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi thấy có ba yếu tố quyết định sự lựa chọn của chúng ta: một là năng lực trí tuệ, hai là giá trị, ba là tầm nhìn.
Hiển nhiên là năng lực trí tuệ có vai trò quan trọng trong sự lựa chọn. Năng lực trí tuệ ở đây là nắm bắt được những thông tin đầy đủ, phân tích những thông tin ấy và nhận thức được bản chất của những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Tầm nhìn ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn
Tôi lưu ý nhiều hơn đến hai yếu tố sau là giá trị và tầm nhìn. Giá trị là những gì chúng ta xem là quan trọng, thiết yếu, sống còn đối với mình, là những gì chúng ta có thể sẵn sàng đánh đổi tự do, an toàn, sự no ấm của mình để bảo vệ nó. Mỗi người có thể có những giá trị giống nhau và khác nhau. Nó là một cái thang bậc đa dạng thể hiện thứ tự ưu tiên của những gì chúng ta coi trọng.
Mơ ước một
cuộc sống đầy đủ không có gì là xấu, ngược lại còn là động lực của sự tiến bộ. Người ta chỉ khác nhau ở con đường đạt đến mục tiêu. Chính các giá trị đã hướng dẫn chúng ta chọn con đường nào để đạt đến mục tiêu. Điều cần nhớ: cái gì cũng có hai mặt, mỗi sự lựa chọn đều đòi hỏi chúng ta phải trả giá. Vì vậy điều quan trọng là hiểu rõ hậu quả những lựa chọn của chúng ta.
Tầm nhìn là khả năng nhìn ra một viễn cảnh xa hơn bối cảnh thực tế mà mình đang sống. Tầm nhìn ngắn hạn là chạy theo những ngành thời thượng, là chọn nghề dựa trên những nhu cầu trước mắt. Tầm nhìn dài hạn là phân tích bối cảnh xã hội, xác định năng khiếu, đặc điểm và năng lực của bản thân, trong đó quan trọng nhất là năng lực tự học và phẩm chất cá nhân. Đó mới là giá trị cốt lõi quyết định những thành tựu mà ta có thể đạt được. Với tầm nhìn dài hạn đó, chúng ta sẽ không nản lòng với khó khăn trước mắt và kiên trì với sự lựa chọn của mình.
Chúng ta đều có chung một mục tiêu là kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mình, gia đình mình và cho xã hội mà mình đang sống. Nhưng chúng ta có thể khác nhau trong cách lựa chọn con đường để đạt được mục tiêu đó. Con đường mà chúng ta lựa chọn sẽ cho thấy chúng ta là ai. Nếu các em mong muốn có thật nhiều tiền, thật nhiều quyền lực và địa vị với bất cứ giá nào, cho dù trái với đạo đức lương tâm, thì đó cũng là một sự lựa chọn. Hãy tự hỏi cái giá phải trả cho sự lựa chọn đó là gì và mình có thể chấp nhận cái giá ấy hay không.
Quy luật mười nghìn giờ
Còn nếu các em không chỉ mong muốn có nhiều tiền, mà còn mong muốn được tự hào rằng các em đã làm ra một đồng tiền sạch bằng tài năng của mình, chứ không phải bằng cách ăn xin, ăn cắp, ăn cướp hay ăn hối lộ, thì các em cần biết rằng nếu như các em làm tất cả mọi việc bằng nỗ lực và trách nhiệm cao nhất của mình, nếu như các em để hết tâm huyết vào công việc của mình, không sớm thì muộn đồng tiền sẽ tự tìm đến với các em. Các em không cần phải tìm kiếm nó.
Có một quy luật gọi là “quy luật mười nghìn giờ”. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng trong những điều kiện thông thường, một người bình thường kiên trì làm một loại công việc gì đó, sau nhiều nhất là mười nghìn giờ người ấy sẽ đạt đến trình độ thành thạo như một chuyên gia trong công việc ấy. Nếu các em đạt đến trình độ chuyên gia, các em sẽ có chỗ dùng, không phải nơi này thì là nơi khác, chắc chắn như vậy.
Còn một điều khác quan trọng hơn cả mười nghìn giờ, đó là sự yêu thích công việc của mình. Các em có bao giờ nhìn thấy một người đầu bếp nổi danh và tài hoa nào lại miễn cưỡng nấu bếp như một công việc khổ sai? Có bao giờ thấy một ông thầy lên lớp chốc chốc lại nhìn đồng hồ mong cho hết giờ để ra về lại được học trò yêu quý và nhớ mãi? Chắc chắn là không!
Các em không thể
thành công thật sự trong công việc nếu các em không yêu thích công việc ấy. Có rất nhiều người không may buộc phải làm một công việc nhàm chán mà họ không hề thấy hứng thú, chỉ như một kế sinh nhai. Thật đáng tiếc vì tám giờ vàng ngọc, tức một phần ba cuộc đời của họ đã trôi qua một cách nhạt nhẽo vô vị và uổng phí.
Nếu các em yêu thích công việc của mình, các em sẽ thấy vui sướng hạnh phúc khi làm việc, các em sẽ làm hết sức mình và chắc chắn sẽ đạt được thành công. Phần thưởng lớn nhất là niềm vui từ bên trong, là sự cảm nhận rằng mình đã sống một cuộc đời có ý nghĩa. Những phần thưởng khác như tiền bạc, địa vị, danh tiếng sẽ tự đến như một hệ quả tất yếu.
Cuộc đời là một sự lựa chọn. Sự lựa chọn của chúng ta cho thấy chúng ta là ai và sẽ quyết định những gì chúng ta gặt hái trong tương lai. Các em đang ở trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Các em cần nhìn một bức tranh rộng của xã hội, và hiểu rằng ngày nay, nhiều nghề nghiệp đang tương tác với nhau, mọi vị trí công việc đều đòi hỏi một nền tảng tư duy, phẩm chất cá nhân và kỹ năng giao tiếp mà chỉ riêng kiến thức chuyên ngành không đủ để đáp ứng. Vì vậy chọn nghề gì không quan trọng bằng việc chuẩn bị cho nghề nghiệp đó như thế nào.
Các em cần đánh giá đúng bản thân mình, về năng lực, về ý chí, về những mối quan tâm và hứng thú, về những mơ ước và cả khả năng chịu đựng thử thách của mình. Đó là những điều kiện cần để có lựa chọn đúng. Và hãy nhớ một câu ngạn ngữ Anh:
Không có bữa trưa nào là miễn phí!
Bài viết hay bạn nên xem: