Ngay lập tức, một cậu bạn trong lớp giơ tay và nói rằng cuối tuần của cậu ấy không được tốt lắm. Cậu ấy phải nhổ một cái răng khôn vì nó bị sâu. Sau đó, cậu ấy hỏi thầy giáo rằng tại sao lúc nào trông thầy cũng có vẻ rất vui tươi. Thầy giáo tôi trả lời:
- Mỗi buổi sáng khi em tỉnh dậy, em được lựa chọn là ngày hôm đó em muốn tiếp cận
cuộc sống như thế nào. Như tôi, tôi chọn cách vui vẻ. Để tôi lấy một ví dụ cho các em xem.
Và trong khi gần sáu mươi sinh viên chúng tôi ngừng trò chuyện để tròn mắt lắng nghe, thì thầy bắt đầu câu chuyện của mình:
“Tôi không chỉ giảng dạy ở UNLV, mà còn dạy ở một trường đại học cộng đồng tại Henderson, tức là từ nhà tôi, đi 17 dặm theo đường cao tốc thì sẽ tới. Vài tuần trước, tôi lái xe qua chặng đường 17 dặm đó để đến Henderson. Rồi tôi rời khỏi đường cao tốc và rẽ sang lối vào trường. Chỉ còn khoảng một phần tư dặm nữa là tới cổng trường rồi. Nhưng đúng lúc đó thì xe tôi chết máy. Tôi cố khởi động lại, nhưng máy vẫn im re. Lục túi tìm điện thoại di động thì không thấy, hẳn là sáng ra tôi đã bỏ quên ở nhà. Thế là tôi đành bật đèn tín hiệu báo xe hỏng, vớ lấy cặp đựng sách vở, rồi đi bộ nốt quãng đường còn lại tới trường.
“Ngay khi vào trường, tôi gọi cho đội cứu hộ và đề nghị họ cho xe cẩu tới. Họ nói sẽ thực hiện. Cô thư ký ở phòng giáo viên của trường hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra.
“Hôm nay đúng là ngày may mắn của tôi” – Tôi nói với cô ấy và kể lại câu chuyện.
“Xe của anh bị hỏng và điện thoại di động thì quên ở nhà, và anh vẫn gọi hôm nay là ngày may mắn” – Cô thư ký ngạc nhiên – “Anh nói đùa đấy hả?”
“Nghe này, tôi sống cách trường tới mười bảy dặm” – Tôi đáp – “Chiếc xe của tôi có thể bị hỏng ở bất kỳ đâu trên đường cao tốc. Nhưng nó đã không làm thế. Mà nó bị hỏng ở một địa điểm hoàn hảo: sau khi đã thoát khỏi đường cao tốc, và chỉ còn một đoạn ngắn để tôi có thể đi bộ tới trường. Tôi vẫn có thể lên lớp dạy, và tôi cũng đã kịp gọi xe cứu hộ tới đem xe tôi đến ga-ra sửa. Sau giờ dạy, tôi sẽ đến ga-ra, lúc đó có thể xe tôi đã được sửa rồi, và tôi chẳng mất nhiều thì giờ chờ đợi. Nếu chiếc xe của tôi hẳn là phải hỏng vào hôm nay, thì rõ ràng nó không thể hỏng theo cách nào thuận tiện cho tôi hơn được nữa”.
“Cô thư ký tròn mắt, và mỉm cười. Tất nhiên, tôi mỉm cười lại và phóng lên lớp dạy”. Đó là câu chuyện thầy tôi đã kể trong giờ học Kinh tế ở UNLV.
Gần sáu mươi khuôn mặt sinh viên chúng tôi đều chăm chú lắng nghe, không ai tỏ vẻ buồn ngủ. Câu chuyện của thầy đã chạm tới trái tim tất cả chúng tôi. Hoặc cũng có thể không phải là câu chuyện, mà là ở thái độ luôn
lạc quan và điềm tĩnh của thầy. Có câu nói rằng một người thầy xuất sắc là người khiến cho học sinh học được nhiều hơn là kiến thức trong sách giáo khoa.
Tôi nghĩ hẳn là đúng như vậy.