Vương Hoa là người Dư Diêu, Chiết Giang, sống vào triều đại nhà Minh. Vào năm thứ 17 niên hiệu Thành Hóa, đời Hoàng đế Minh Hiến Tông, ông thi đỗ trạng nguyên. Vương Hoa làm quan tới chức Lễ bộ Thị lang. Ông là người trung hậu và rất có tiết tháo.
Thời kỳ Vương Hoa còn làm quan, có người đã hãm hại ông bằng cách dùng việc xấu mà người khác làm vu oan cho ông. Rất nhiều quan lại và bạn bè đều khuyên ông nên biện bạch để làm sáng tỏ việc này, đồng thời, khuyên ông nên tìm bằng được người đã làm ra chuyện này, vạch trần họ.
Nhưng Vương Hoa sau khi nghe những lời khuyên ấy thì đều nói: “Đây là việc mà một người bạn thân học cùng tôi đã làm. Nếu tôi biện bạch làm sáng tỏ thì chẳng phải chính là vạch trần việc riêng và lỗi lầm của bạn mình sao?”. Vì thế, ông trước sau đều không vạch trần làm sáng tỏ việc ấy.
Về sau, người con trai của ông là Vương Thủ Nhân, cũng chính là Vương Dương Minh – nhà chính trị, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh lên kinh thành nhậm chức, biết được chuyện này. Sau khi nghe được rất nhiều lời thảo luận qua lại của nhiều người, Vương Dương Minh định dâng tấu lên Hoàng thượng để làm rõ sự tình.
Vương Hoa biết tin liền vội vàng gửi thư cho con trai, ngăn không cho con làm như vậy. Trong thư, Vương Hoa viết: “Con làm như vậy là thành sỉ nhục cha. Nếu con vạch trần việc riêng và lỗi lầm của bạn cha thì đó càng là sỉ nhục lớn đối với cha!”.
Vương Thủ Nhân đọc xong lời khuyên bảo của cha thì lập tức hủy bỏ ý định biện giải thay cha mình. Người đời sau luôn tán dương đức hạnh của Vương Hoa, đồng thời họ cho rằng chính đức hạnh của ông đã giáo dưỡng nên một Vương Dương Minh nổi danh sau này.
Hàn Kỳ (1008-1075) tên tự là Trĩ Khuê, hiệu là Cán Tẩu, người An Dương, Tương Châu. Ông sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm quan.
Khi Hàn Kỳ đóng quân ở Định Châu, có một lần ông ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm nến đứng bên cạnh để chiếu sáng. Binh sĩ này mải nhìn đi chỗ khác nên sơ suất làm cây nến bị nghiêng và cháy vào tóc của Hàn Kỳ, Hàn Kỳ lấy tay áo dập lửa rồi lại tiếp tục viết thơ.
Một lát sau, ông quay lại nhìn thì phát hiện ra người cầm nến bên cạnh đã được đổi thành người khác. Vì sợ viên quan chủ quản sẽ trách phạt binh sĩ kia nên ông vội vàng gọi viên chủ quản đến và bảo: “Không cần đổi người, anh ta hiện tại đã biết cách cầm nến rồi”. Từ đó về sau, quan binh trong quân đội ai nấy đều thêm bội phục tấm lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ.
Thời Hàn Kỳ đảm nhận chức Tể tướng, ông luôn phát hiện ra trong số công văn được gửi đến có những lá thư công kích vạch trần lẫn nhau với lời lẽ ác ý. Ông đều ngay lập tức lấy lại, không bao giờ để cho người khác thấy được. Nhờ đó mà mối quan hệ của mọi người trong triều được hòa thuận hơn.
Hành Công là cụ của Đào Chú – quan lớn được Hoàng đế Đạo Quang triều nhà Thanh rất trọng dụng, đảm nhận chức quan Hàn Lâm Viện, sau đó được thăng chức lên làm quan Ngự sử, là người huyện An Hóa, tỉnh Hồ Nam. Hành Công là một người có đạo đức cao đẹp.
Vào một ngày trời lạnh giá, có một người đã lẻn vào nhà ông để trộm gạo. Lúc ấy, ông biết nên đã lần theo dấu tuyết và đi đến cửa nhà người này. Ông biết rõ người này là người có nhận thức nên thông cảm cho gia cảnh nghèo khó của người này, lặng lẽ quay về nhà.
Sự việc ấy xảy ra, ông không bao giờ nhắc tới một lần nào trong đời. 30 năm sau, vợ của ông kể chuyện này với con cháu để con cháu noi gương học tập nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến tên của người trộm.
Trong văn hóa truyền thống có giảng: “Bất công nhân đoản, mạc căng kỷ trường”, ý rằng không vạch trần thiếu sót của người khác, không kiêu căng với sở trường của mình, đây luôn là cách đối nhân xử thế rất hay, là mỹ đức của con người.
Con người sống, ai không có sai lầm? Ai không có thiếu sót? Nếu chỉ nhìn vào lỗi lầm và thiếu sót của người khác thì chẳng những vô ích đối với bản thân mà còn khiến người khác bị tổn hại. Nếu một người có thể mở rộng tấm lòng,
khiêm tốn ôn hòa, thành tâm thành ý đối đãi với người khác thì cuộc đời người ấy sẽ bình an, tốt đẹp.
Xem thêm: