Ninja Lead là gì?

03/06/2018   18.332  3.48/5 trong 51 lượt 
Ninja Lead là gì?
Đó là những người trùm áo chống nắng kín người, khẩu trang kín mặt như ninja. Họ đa phần đi xe Lead, loại xe ga to kềnh với cốp xe rộng như cả tủ quần áo. Và theo các hình ảnh ghi lại trên mọi ngả đường, những người này có xu thế lái xe rất ẩu.


Cộng đồng mạng “gắn nhãn” họ với cụm từ trực quan đầy mỉa mai “Ninja Lead”. Nhắc tới “Ninja Lead” là nhắc tới những người tham gia giao thông thiếu ý thức, những pha xi-nhan trái nhưng rẽ phải… Chưa có một thống kê xã hội học nào chứng minh những người mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, đi xe Lead gây tai nạn nhiều hơn nhóm đối tượng khác. Song, dựa vào những hình ảnh ghi lại và phát tán, dễ thấy, những vụ tai nạn do các “Ninja Lead” gây ra lạ lùng tới ngớ ngẩn.
 
Gạt đi những câu chuyện bi hài do các “Ninja Lead” gây ra trên đường, điều tôi băn khoăn là tại sao họ lại luôn lơ đễnh khi lái xe như vậy? Châm biếm có làm họ tham gia giao thông có an toàn hơn cho bản thân và những người xung quanh hay không? Làm sao để văn hóa giao thông cải thiện từ những người này?
 

“Ninja Lead” là ai?

 
Những người mặc áo, váy chống nắng, đeo khẩu trang kín mít cả khi trời mưa thực ra toàn là phụ nữ. Họ lựa chọn một chiếc xe không bởi đẹp mà bởi cốp xe to, đựng được nhiều đồ. Nói theo ngôn ngữ mạng, “Ninja Lead” phần nhiều là những người mẹ bỉm sữa. Họ phải mang nào ví xách đi làm, rau thịt cho bữa cơm, đồ dùng lặt vặt mua cho cả gia đình, cặp sách khi đón con về… Họ chở từng ấy gánh nặng, ngày ngày đi qua những con đường “khổ ải” tắc nghẹt. Họ bị phân tán bởi quá nhiều mối lo: việc công ty, tối nay ăn gì, chuyện học hành của con, chai dầu gội đầu ở nhà sắp hết…
 
Và điều dễ xảy ra, cùng với đống đồ đạc khổng lồ để vận hành cả một gia đình trong cốp xe Lead, họ mang cả những lo toan, mệt mỏi mỗi ngày khi tham gia giao thông. Hệ lụy của việc thiếu tập trung này, chúng ta đều thấy trong các clip đăng tải trên mạng xã hội, ngày ngày.
 
Đến đây, căn cơ của vấn đề không còn là chất lượng của một loại xe hay ảnh hưởng của áo chống nắng tới việc lái xe. Mà đó là những người phụ nữ lái xe, là chuyện định kiến giới và phân vai trong gia đình, xã hội. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” không còn là quan niệm tuyệt đối đúng trong xã hội hiện đại.
 
Thực tế, hiện tại, trong một gia đình phổ thông, đàn ông và đàn bà cùng phải đi làm để trang trải cuộc sống và tích cóp để xây nhà (hoặc mua chung cư). Tuy nhiên, quan niệm “xây tổ ấm” phần nhiều vẫn chỉ có đàn bà - những người vẫn bị châm chọc “bơm xăng cho phụ nữ là tội ác”.
 

“Phụ nữ nào có biết gì”

 
“Ninja Lead” là biểu hiện của sự chuyển dịch về bình quyền nam - nữ mới ở mức lưng chừng, khi cái cũ chưa qua hẳn mà cái mới vẫn chưa hoàn thiện. Ở khía cạnh giao thông, điều này đã khiến những người phụ nữ vừa đáng thương, vừa đáng trách. Ở khía cạnh xã hội, nó không chỉ gây bất hạnh cho phụ nữ mà còn tạo khốn khổ cho cả đàn ông.
 
Chị tôi, một “Ninja Lead” điển hình, vừa bị cháy máy xe Lead vì… xe hết dầu. Đến lúc máy hỏng, chị mới nhận ra, ngoài bơm xăng, đi xe máy cần phải đổ cả dầu. Nhưng, mọi trách cứ từ phía bên ngoài đều đổ dồn về phía chồng chị. Một nhận định tương đối phổ quát: Chị em đi xe nào có biết gì, đàn ông trong gia đình thì phải mang xe đi bảo dưỡng định kỳ (?!).
 
Nghĩa là, nhìn đi cũng phải nhìn lại, rằng ngoài việc phải quan tâm tới quá nhiều thứ, chị em cũng có “đặc ân” khi tham gia giao thông là “nào có biết gì”! Trong khi, đằng sau tay lái là tính mạng con người, việc mặc nhiên coi phụ nữ là những người không cần biết tới những kiến thức cơ bản về phương tiện giao thông mình sử dụng là một quan niệm nguy hiểm. Bởi, khi tham gia giao thông, “tử thần” không “miễn trừ” phụ nữ. Chưa kể, việc thiếu kiến thức và sự tập trung còn có thể gây nguy hiểm tới người khác.
 
Và, các mẹ bỉm sữa, những “Ninja Lead” đã tham gia giao thông với tất cả mối lo toan bộn bề, trừ những bận tâm tới phương tiện cũng như phép tắc cơ bản trong giao thông đường bộ. Điều này đã vô tình khiến họ có những tình huống rất khó hiểu trên đường.
 
Đồng nghĩa, việc châm biếm “Ninja Lead” không phải là cách để đảm bảo an toàn giao thông cho họ cũng như những người xung quanh. Đó chỉ là những clip mang tính giải trí rồi thóa mạ. Không hơn. Trong khi đó, câu chuyện các mẹ bỉm sữa đi xe là điều đáng lo ngại và cần nhìn nhận nghiêm túc. Để giải quyết căn cơ vấn đề, chúng ta cần phải xử lý những nghịch lý sâu thẳm trong lòng xã hội liên quan tới bình quyền. Điều này không thể giải quyết một sớm một chiều.
 
Nhưng, có những thứ chúng ta có thể làm được ngay. Đó là: đi xe thì hãy hiểu những nguyên tắc cơ bản của xe, cũng như biết về luật lệ giao thông đường bộ (với mọi giới tính); là tự răn mình đã lên xe thì tập trung vào tay lái. Đó còn là những lối tiếp cận bài bản, nghiêm túc và xây dựng, chứ không phải vừa châm chọc vừa châm chước cho chị em từ phía cộng đồng. Bằng không, cụm từ “Ninja Lead” mãi chỉ là những câu chuyện cười có thể phải đánh đổi bằng tính mạng con người!

Quảng cáo

Theo Vietnamnet

Người đăng

Nguyễn Thị Hồng Đào

Nguyễn Thị Hồng Đào


Là thành viên từ ngày: 18/04/2016, đã có 852 bài viết

Tài trợ

BÌNH LUẬN

Bạn cần đăng nhập để bình luận.
No Avatar

Chưa có bình luận nào cho bài này, tại sao bạn không là người đầu tiên nhỉ?

Bài viết khác

Trẻ trâu có nghĩa là gì và ai bị gọi là trẻ trâu?
Trẻ trâu có nghĩa là gì và ai bị gọi là trẻ trâu, đây là một từ được giới trẻ sử dụng rất phổ biến hiện nay. Những người gọi là trẻ trâu là những người có tính cách ngoan cố, bảo thủ, luôn cho mình là đúng, tuy nhiên tùy trường hợp cụ thể mà từ này được sử dụng sao cho ...

Trí tuệ cảm xúc và tiêu chí tạo nên trí tuệ cảm xúc
Tất cả chúng ta đều muốn, dù là trong công việc hay trong cuộc sống cá nhân, luôn có người có thể lắng nghe và giúp chúng ta cảm thấy hi vọng và lạc quan hơn. Cũng giống như tôi, bạn chắc hẳn biết được rằng có những người làm chủ được những cảm xúc của họ.

Yolo nghĩa là gì?
Gần đây nhiều bạn trẻ chia sẻ nhau sống YOLO, đặc biệt là trên Facebook. Vậy Yolo nghĩa là gì? Yolo được định nghĩa như thế nào hay nó viết tắt của từ gì. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé