Trên Entrepreneur, Kevin O’Leary - nhà sáng lập Tập đoàn tài chính O’Leary kiêm giám khảo show truyền hình
khởi nghiệp Shark Tank đã chia sẻ về những lỗi cần tránh khi bạn muốn trở nên giàu có.
Mỗi ngày tôi nhận được cả tá câu hỏi về cách làm giàu, và câu trả lời bao giờ cũng chỉ có một. Không hoang phí. Thường xuyên tiết kiệm. Liên tục đầu tư.
Nghe có vẻ đơn giản đúng không? Nhưng rất nhiều người toàn làm ngược lại - đầu tư sai lầm, tiêu xài quá nhiều, không hề tiết kiệm, và cố tình lờ đi các vấn đề tài chính của mình.
Vì sao? Vì họ không hiểu được mối quan hệ của mình với tiền bạc.
Bước đầu tiên trong việc thay đổi thói quen tiêu tiền là nhìn nhận nghiêm túc các khoản đầu vào và đầu ra tài chính của bạn. Sau đây là những gì bạn cần làm: cộng các nguồn thu nhập lại và trừ các khoản chi tiêu trong ba tháng. Tôi gọi đây là con số 90 ngày.
Nếu đó là một số dương, xin chúc mừng, bạn là một trong số ít người kiếm nhiều hơn số tiền mình tiêu. Còn nếu đó là số âm, thì cũng như đa số những người khác, bạn đang tiêu nhiều hơn số tiền mình kiếm được.
Tin tốt là dù con số 90 ngày của bạn có như thế nào, tôi vẫn luôn có cách giúp bạn cải thiện nó. Dưới đây, tôi sẽ chỉ rõ cho bạn 3 sai lầm tài chính mà ai cũng từng mắc phải, và cách để khắc phục chúng.
1. Nợ thẻ tín dụng ngập đầu
Cách khắc phục: Đọc kỹ dòng ghi chú trong hóa đơn
Nếu chi tiêu quá nhiều là một căn bệnh, thì nợ thẻ tín dụng chính là ung thư. Ngay khi nhận được hóa đơn của mình mà không trả hết toàn bộ, bạn đã tự đưa tế bào "ung thư tài chính" đầu tiên vào trong cơ thể mình.
Lần tới khi bạn nhận được thông báo, hãy đeo kính lên và nhìn cho kỹ phần ghi chú nhỏ. Theo luật, các hãng thẻ phải cho bạn biết nếu mỗi tháng thanh toán khoản tối thiểu, bạn sẽ mất bao nhiêu lâu mới hết nợ. Trong hầu hết các trường hợp,
thời gian này khá khổng lồ.
Với mức lãi suất phổ biến trung bình vào khoảng 16%, hố đen nợ nần sẽ cứ thế mà phình ra. Vì vậy, nếu đọc được dòng ghi chú nhỏ này, bạn phải lập tức dồn hết tiền mình đang có để thanh toán. Nếu muốn giàu có, bạn phải sạch nợ trước đã.
2. Tiêu tiền để cảm thấy hạnh phúc
Cách khắc phục: Kiểm soát việc chi tiêu theo cảm hứng.
Hầu hết mọi người chi quá tay là do cảm giác sung sướng tạm thời mà nó mang lại. Nhưng như tôi vẫn luôn nói, tiền bạc kết hợp với cảm xúc sẽ là một liều thuốc độc.
Đừng đi mua sắm chỉ để thay đổi tâm trạng. Nó có thể làm bạn cảm thấy khá hơn trong chốc lát, nhưng tôi cam đoan
tiết kiệm và làm tiền sinh sôi nảy nở về lâu dài sẽ lấn át sự thỏa mãn chớp nhoáng kia.
Nếu nhận thấy mình đang sắp tiêu xài tùy tiện, hãy đứng lên đi dạo, nấu ăn hoặc đọc sách. Làm bất cứ điều gì cũng được, nhưng tuyệt đối đừng đi tới trung tâm thương mại.
3. Cảm thấy tiết kiệm thật chán
Cách khắc phục: Tạo một quỹ "Tiền vui vẻ".
Rất nhiều người dù đã dành cả 100% quyết tâm để xóa nợ và tiết kiệm vẫn thường cảm thấy chán nản sau một khoảng thời gian. Điều tương tự xảy ra với những người ăn kiêng, tránh xa các loại thức ăn yêu thích hàng tháng trời nhưng rồi lại ăn bù vào ban đêm.
Đó không phải là phương pháp đúng đắn, và tôi hoàn toàn không ủng hộ nó. Cứ việc thắt lưng buộc bụng, nhưng đừng để mình bị thiếu thốn.
Cách giải quyết ở đây là hãy chi tiêu cả cho những thứ bạn thích. Dành ra một khoản nhỏ mỗi tuần để tự làm vui cho bản thân. Ra ngoài ăn trưa, làm tóc hay đi du lịch bằng quỹ "tiền vui vẻ". Nói chung là hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn, miễn là bạn chắc chắn mình có đủ khả năng chi trả. Cách này sẽ giúp bạn tiêu xài thoải mái một chút mà không cảm thấy tội lỗi.