Nhưng thú thật, trao qua đổi lại một hồi, câu chuyện bạn nói mình theo không được vì không có trong ký ức. Cái bạn nói, tụi mình đều biết bạn, nhưng bạn thì không. Hồi đó bạn lớp A1, hất mặt lên trời, đâu có chơi với tụi A4, A5 này.
Cái mình mắc cỡ quá, nói hồi nhỏ ngáo ngơ, chảnh chọe, chứ giờ hết rồi, khiêm tốn và cầu thị lắm. Lật đật hỏi thăm bạn ơi giờ vô Sài Gòn làm gì ở đâu, xin số di động rồi email, add facebook, tỏ ra hết sức dễ thương.
Nói mới nhớ. Hồi nhỏ hạc ở trường làng, đâu lớp 3, trường chuyên ở ngoài thị trấn vô xã, coi trong làng có đứa nào mặt mũi sáng sủa bốc ra thị trấn. Hạc sáng hạc chiều nên cũng hẻm chơi với bạn trong làng, rồi tụi nó cũng rơi rụng hết, đâu tới lớp 9 thì không còn đứa nào tiếp tục. Nên chỉ có mỗi mình mình hạc tới cấp 3 trong cái làng to đùng ấy. Rồi vào cấp 3, lớp A1 hết ½ là từ trường chuyên chuyển lên. Nên chơi với dân trường chuyên quen rồi, chơi với trường thường lớp thường hẻm biết chơi sao….
Hồi đó mỗi lần thi hạc kỳ, cả trường sẽ thi chung. Tên ai có chữ cái đầu tiên giống nhau sẽ ở chung 1 phòng thi.
Tony lúc nào cũng đến đứng ở cửa vào phút 89, chờ mọi người đã ngồi hết rồi thì mới bước vào. Không nói không rằng, không nhìn không ngó bất cứ ai. Phát đề xong là ngồi làm bài lặng lẽ. Khi giám thị ghi lên bảng còn 15 phút nữa nộp bài là lúc Tony lên nộp. Làm chưa hết cũng nộp, vì muốn ra sớm hơn mọi người, để hất mặt lên trời cho dễ. Làm toán bỏ câu cuối, còn viết văn là lật đật kết luận. Vì không muốn chen chúc đứng xếp hàng nộp chung với mọi người. Nên điểm thi thấp tè, không bao giờ đạt điểm tối đa.
Lên đại hạc, bệnh chảnh còn hoành hành dữ hơn. Ở tỉnh lên Tp, đen thui cao nhòng ốm nhách, nói giọng địa phương hẻm ai hiểu, đi xe đạp, đạp 1 cái ống quần lên tuốt tên đầu gối, lòi ống quyển đầy lông, mà cũng “ bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa”, thiệt là không ra làm sao. Nhưng vì để được chảnh, phải hạc giỏi. Hạc nghiêm túc, không quay bài hay xin xỏ. Nhưng lúc nào cũng nghi ngờ thầy cô hiểu sai vấn đề rồi truyền bá lại cho mình trật, chưa tin thầy cô bao giờ, vì có phải của họ phát minh ra đâu. Nên phải coi lại sách. Buổi chiều là lên thư viện hạc đến 8h tối, đọc hầu hết các đầu sách có trong thư viện liên quan đến chuyên ngành. Nhưng cũng nghi ngờ người dịch dịch sai, nên mong ước sau này phải qua tận nước bản xứ, để từ miệng cái ông nghĩ ra vấn đề đó nói với mình, thì mới tin là đúng.
Ra trường, Tony làm việc quần quật, bất kể ngày đêm. Mua hàng Trung Quốc bán qua Nga, mua hàng của Pháp bán qua cho Mỹ…, thanh toán LC at sight hết, lấy tiền đô la cho nó phẻ, khỏi phải xin xỏ khúm núm biết điều với mấy con Na thằng Mít mệt bỏ mẹ. Ăn uống điều độ, tập luyện thể dục thể thao, giữ gìn chút dung nhan mùa hạ, đặng bắt tay với quốc tế cũng phải ngang hàng. Cũng mấy lần định kết nạp vô mấy hiệp hội doanh nhân doanh nhéo gì đó, mà hẻm thấy ai ở Việt Nam đúng tiêu chuẩn là doanh nhân cả, người đẹp thì ít tiền, ít chữ; người thông tuệ thì lại xấu, nhìn nhức đầu; người giàu thì lại kém sang và hợm hĩnh. Nên bơ vơ, ngồi chơi 1 mình. Nhu cầu chảnh làm cho người ta phải giỏi, giàu, đẹp 1 cách tử tế. Nhưng khổ lại hẻm có bạn chơi vì chênh lệch đẳng cấp. Nên các bạn có quyền cocky nếu bạn trung thực đàng hoàng, bạn dùng năng lực của mình để giàu và đẹp. Còn nếu không thì nên cúi đầu.
Cái sau này qua Mỹ hạc, mấy trường thường như Yale hay MIT hay Stanford không thèm đăng ký, sợ thầy cô ở đó hẻm đủ trình độ. Bèn phải West Point hay Há Vợt cho được, WP thì già quá nó hẻm nhận nên bèn hạc HV. Qua Mỹ, bệnh chảnh lại bùng phát mạnh mẽ hơn. Từ chảnh trong tiếng Mỹ là cocky, thế là bệnh chảnh ở quê trở thành bệnh quốc tế. Tony ngồi trong giảng đường mà mặt mũi vênh váo thấy ớn. Lúc nhập hạc, nó phát cho mỗi người 1 cái bảng tên, cầm bỏ trong cặp, vô giảng đường ngồi đâu thì gắn ở trước mặt để gọi tên cho dễ. Thường thì khi tranh luận, ông thầy hay đi qua đi lại và mời bất cứ ai phát biểu, ví dụ mời anh John, anh John nghĩ gì về vấn đề này. Hay mời anh Tony phản biện ý kiến của anh John. Nên phải tập trung chứ không ổng mời 1 phát á, nói I am sorry thì nhụt như con cá nụt. Rồi các buổi tối, trong trường thường có party, mình cũng cầm ly rượu vang và miếng bánh, đứng ăn trong 1 góc, mặt mũi lạnh lùng, cứ nhìn lên trần nhà hoặc ánh mắt cứ xa xăm… Mấy đứa da vàng chắc Tàu hay Nhật hay Hàn gì đó thấy Tony là người châu Á bèn đến bắt chuyện. Hỏi where are you from, mình nói Vietnam. Cái nó định nói chuyện câu gì nữa nhưng mình nhún vai, nói mày nói chuyện tao không thấy thú vị, I am sorry. Cái tụi nó hỏi ủa sao vậy, mình nói tao ít chơi với dân châu Á lắm, không thích chơi với chủng “Mông Gô Lô Ít”, mày thông cảm. Tụi nó nói với nhau nghe nói đến từ Việt Nam, định khinh nó, mà chưa kịp đã bị nó khinh trước rồi. Bọn châu Á giàu có như Nhật, Hàn, Đài, Sing…ôm nhau khóc như mưa, vì bị Tony look down. Tony hay “khinh phủ đầu” khi thấy ai đó có biểu hiện khinh người Việt .
Mấy đứa Tây bên kia nghe vậy bèn bu tới, nói vậy tao là Tây nè, tụi tao thuộc chủng “Ăng Lô Xác Xong” nè, chơi đi. Cái mình cũng trề môi, nhún vai, nói tao sẽ cố gắng, give it a try. Tụi nó có hỏi thì trả lời yes no qua loa chứ hẻm thèm hỏi lại. Còn đi hội nghị quốc tế ở Pháp, có đứa tới bắt tay đưa name card, mình từ chối bắt tay, chỉ hỏi là mày có công trình khoa hạc quốc tế nào vừa công bố hem, nếu có thì nói chuyện tiếp. Cái tụi nó nhụt liền, lảng đi. Mấy giáo sư tiến sĩ viện sĩ hàn lâm khác lao đến rầm rập, nói tui có nè, tui có nè, cho tao chơi với.
Cái mình nói, ok let’s show me, đưa tao coi. Sau khi xác nhận xong là bằng cấp thật, công trình thật không phải đạo văn hay mua bằng, Tony lập tức bấm nút Chơi (Play). Trong lúc đang play, thấy tụi nó phơ quá phơ (phê quá phê), Tony bèn hỏi
Tony: Sao tao khùng thấy bà cố luôn mà tụi mày say mê vại?
Đồng thanh: Vì mày mắc bệnh cocky mà lại easy to love (dễ thương) và easy to look (dễ coi). Trên đời này chỉ có một. It’s you, Tony.
Tony: Ồ Dé…