Câu chuyện cuộc sống: Cuốc xe ôm nhớ đời

03/06/2016   3.839  4/5 trong 4 lượt 
Câu chuyện cuộc sống: Cuốc xe ôm nhớ đời
Câu chuyện đời thường của một ông chú lái xe ôm tật nguyền nhưng lại khiến nhiều người nghẹn ngào, xúc động. Có thể nói rằng, tình người mới là thứ rung động lòng người sâu sắc nhất.


Câu chuyện được tài khoản facebook có tên là Hải Hồng đăng tải, chỉ trong một thời gian ngắn đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng.
 
Đó là câu chuyện của một chú xe ôm Miền Tây hồn hậu dù bị tật nguyền nhưng hàng ngày vẫn chăm chỉ lao động, kiếm tiền. Hình ảnh một con người nhọc nhằn vì cuộc sống mưu sinh cứ khắc khoải mãi trong tâm trí.
 
***
 
Cuốc xe ôm nhớ đời
 
9 giờ tối, Xa Cảng Miền Tây.
 
Xách túi đồ dạo bước ra taxi, nhận một cái níu tay, tui quay lại, chú xe ôm đứng cong người nài nỉ: “Đường giờ này mát mẻ lắm, con đi giúp chú cuốc xe đi. Ai thấy chú tật nguyền vầy cũng ngại đi nên chú chạy ế lắm. Con yên tâm đi, chú chạy được, chạy cẩn thận lắm”.
 
“Dạ được rồi, con đi”.
 
Và cái đoạn đường hơn chục cây số từ đó về Tao Đàn, tui đã được nghe một chuyện đời, một chuyện tình đẹp tái lòng.
 
Chú 58 tuổi, ở quận 7, mỗi chiều 5 giờ ra bến, chạy đến 5 giờ sáng hôm sau. Ráo cũng như mưa, chục năm nay không dám nghỉ ngày nào. Mỗi đêm thường kiếm được trăm mấy hai trăm, mỗi tháng đóng tiền bến hết chín trăm.
 
Cô thì đi nấu cơm cho công an phường, lương có triệu mốt nhưng được cái họ hay bỏ bữa, cô mang thức ăn về, nhà khỏi đi chợ. Cô đòi đi kiếm chỗ làm thêm, chú không cho. Chú biểu để mình chú cực là được rồi. Kể tới đây, chú cười hịch hạc: “Đàn ông mình, cỡ nào cũng phải sống mà lo cho gia đình được, há con?”.
 
Tui bắt đầu thấy ngưỡng mộ chú rồi đây, sau cái câu này.
 
Bạn bè đang đợi, tui thì trễ hẹn nhưng bị cuốn vào câu chuyện tươi sáng của chú nên nghĩ mình cũng chẳng cần phải nhanh hơn. Tới đâu đó Thuận Kiều, thấy vai chú run run, tui hỏi thăm, chú biểu cái chân tật của chú, hễ trời lạnh lại nhức.
 
“Thôi chú dừng xe lại đi, con chở cho”.
 
“Đâu có được, ai làm vậy được con? Chú không sao, ráng chạy chút nữa, về bóp dầu”.
 
“Chú sợ con cướp xe hả? Xe chú cà tàng lắm rồi nha. Với lại con sẽ đưa túi xách con cho chú đeo. Chú dừng lại đi”.
 
Tui cũng chạy chậm, như chú. Thanh thản lắm, như đang chở ba mình đi dạo vậy. Ngồi sau lưng tui, chắc ấm được chút đỉnh nên chú trải lòng hơn.
 
Chú khoe hồi trẻ cô đẹp lắm, con gái Cai Lậy mà. Cô lên Sài Gòn ở mướn cho nhà chủ mà chú làm bảo vệ. Ba má cô đâu có chịu chú bởi họ chê thằng này mồ côi mồ cút, nghèo mà còn què quặt nữa. Họ sợ cô khổ khi về với chú.
 
Nhưng cô hổng sợ, cô bỏ nhà theo chú. Ba má cô từ con gái. Ngày ba cô nhắm mắt, ông còn chưa tha cho cô mà. Chú phải đưa cô về, nửa đêm quỳ ngoài hàng rào lạy vọng vào. Rồi đi.
 
“Chú biết cô thương chú lắm nên chú muốn cô được sung sướng. Mà muốn vậy thôi chứ tới giờ cô cũng chưa được sướng ngày nào”.
 
“Sướng chứ chú. Làm lụng thì ai cũng phải làm thôi, chỉ cần có người chồng thương mình như chú, con nghĩ cô sướng trong dạ lắm đó chớ”.
 
“Thiệt không con?”
 
“Hổng tin, bữa nào chú về hỏi cô đi”.
 
“Ừ. Mà tết nhứt tới bên nách rồi con há. Chắc chú phải ráng cày thêm chút đỉnh, vài bữa mua cho cô cái áo kiểu đẹp đẹp mặc tết với người ta…”.
 
Tui nghe chừng trong lam lũ một trời yêu thương. Cái yêu thương không phải đôi vợ chồng đủ đầy nào cũng có được.
 
Rồi chú khoe hai thằng con, thằng lớn hai mươi, thằng nhỏ mười ba, thằng nào cũng ngoan.
 
“Em lớn đang còn đi học hay đi làm rồi chú?”, tôi hỏi.
 
“Nó học giỏi lắm con, học năm ba Đại học Sư phạm. Mà thằng đó đẹp trai à nha, nó giống cô. Nó có hiếu lắm, hổng bao giờ dám xài tiền”.
 
“Nói vậy thôi chứ con nghĩ hồi trẻ chú cũng đẹp trai mà. Nghe em nó được vậy, con cũng mừng cho cô chú”.
 
“Ừ…thì…”
 
Sao tui nghe câu trả lời như vướng đâu đó trong cổ họng.
 
Câu chuyện còn đang dang dở, hai chú cháu đã tới nơi. Xuống xe, chú biểu bớt hai chục ngàn, cho cái công tui chở chú.
 
“Chú bớt phân nửa luôn đi. Hehe”
 
“Sao cũng được mà con”.
 
Trả tiền xe xong, tui dắm dúi một ít vô tay chú, dặn dò: “Chú về mua cho cô cái áo đi, áo màu tím nghen chú. Con tin cô sẽ thích. Mà cũng phải mua thêm cho chú một cái nữa. Cô mặc áo đẹp mà áo chú cũ quá, hổng xứng đâu nha. À quên, hai thằng nhỏ, mỗi thằng một cái nữa nhe”.
 
Chú cúi sát nhìn thứ tui vừa đưa, tay run run.
 
Chào nhau, chú lại níu tui. Tui ghẹo: “Tính cám ơn con nữa hay gì đây? Thôi khỏi, mai mốt có gặp nhau, chú chở rẻ cho con là được rồi”.
 
“Hổng có, hồi nãy chú hổng dám kể hết. Thằng con lớn của chú đó, là chú…nhớ nó quá nên chú tưởng tượng vậy thôi, chứ sau khi thi đậu đại học, nó bị tai nạn…mất rồi con ơi. Tới giờ mà chú còn chưa tin là nó hổng còn… Đêm nào cha con chú cũng nói chuyện… Nhưng con yên tâm, chú cũng sẽ lấy tiền này mà mua cái áo mới, để lên bàn thờ cho nó”.
 
Trời ơi!!! Sao tự nhiên tui muốn quỳ xuống đường mà tế sống người đàn ông này…

Quảng cáo

Theo Facebook Hải Hồng

Người đăng

Bảo Mi

Bảo Mi

Chia sẻ là cách tốt nhất để học và làm cuộc sống tốt đẹp hơn.


Là thành viên từ ngày: 26/07/2015, đã có 1.689 bài viết

Tài trợ

BÌNH LUẬN

Bạn cần đăng nhập để bình luận.
No Avatar

Chưa có bình luận nào cho bài này, tại sao bạn không là người đầu tiên nhỉ?

Bài viết khác

Cái giá của sự khiêm tốn
Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến đông lạnh. Ngày hôm ấy, sau khi hoàn thành công việc, như thường lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra một chút. Đột nhiên, cửa phòng lại bị đóng và khóa lại, cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết.

Chia tay cũng là một cách để yêu thương
Sẽ có lúc chẳng thể đến cũng chẳng thể đi, chẳng thể tiếp tục mà cũng chẳng thể dừng lại. Khi yêu chẳng ai muốn có những kết thúc buồn. Nhưng nếu không thể quan tâm chăm sóc được người mình yêu thương thì cũng đừng nên khiến họ phải tiếp tục khổ đau vì mình... Thà là ...

Tâm sự mẹ đơn thân: Chuẩn bị gì khi ly hôn?
Khi cả hai người đã không thể cùng đạp xe chung trên một con đường, thì ngã rẽ là điều tất yếu, quan trọng rằng, khi rẽ sang hướng khác, mỗi người vẫn phải tự lập được trên chính đôi chân mình.

Có thể bạn cần

Bốn niềm vui lớn của một đời người

Bốn niềm vui lớn của một đời người

Đời người thoáng qua thật nhanh, dấu vết thời gian mỗi ngày lại in hằn lên khuôn mặt. Trên đường đời tấp nập ấy, có khi nào bạn tự hỏi: Sống qua ngần ấy năm, niềm vui nào là lớn nhất đời người?

Liên kết logo

Bàn phím trong mơ