Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là nơi truyền tải những giá trị nhân sinh. Sống chung với mẹ chồng không phải điều xa lạ nhưng vẫn thường xuyên gây ra những làn sóng tranh luận. Có lẽ với nhiều người, đó là chuyện rất khó giải quyết, vậy hãy thử xem, theo cách nhìn Phật giáo thì nên làm như thế nào.
Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây:
Có một cô gái nọ mới đi làm dâu,
cuộc sống ngột ngạt vô cùng vì mẹ chồng nàng dâu không ưa nhau. Bà mẹ chồng hay trách cô, cô dâu mới cũng hay bướng bỉnh, làm cuộc sống hai người luôn gay gắt, căng thẳng.
Cũng bởi mẹ chồng nàng dâu lục đục nên gia đình luôn khó chịu, nặng nề, người chồng không biết đứng về phía ai, bênh vợ thì mẹ buồn, bênh mẹ thì vợ khóc, không khí căn nhà vì thế lúc nào cũng mỏi mệt.
Một ngày nọ, cô tìm tới nhà một cụ lang. Sau khi kể hết sự tình, cô xin cụ một liều thuốc độc để bỏ cho mẹ chồng ăn. Ban đầu cụ lang từ chối, nhưng sau đó do cô một mực năn nỉ, sau một hồi lâu suy nghĩ, cuối cùng cụ bảo: “Thôi được, ta có một bài thuốc bí truyền, nhưng bài thuốc này khó thực hiện lắm, không biết cô có làm theo được không?”
– Dạ, khó mấy con cũng cố gắng được ạ.
– Được, vậy cô chờ ta một lát.
Cô mang thuốc này về hầm với thịt gà cho mẹ dùng. Cô nên nhớ, để thuốc này có công hiệu, từ nay trở đi cô không được cãi mẹ, phải vâng lời và chăm sóc nâng niu bà hết mình. Như thế thuộc độc này mới có tác dụng.
Cô gái về làm y như lời thầy thuốc dặn. Hàng xóm láng giềng hết sức ngạc nhiên khi thấy cô con dâu trở nên ngoan ngoãn, cơm bưng nước rót, tẩm bổ chiều chuộng mẹ chồng. Bà mẹ chồng cũng đổi tính coi con dâu như con đẻ, đi đến đâu cũng khoe nhà mình tốt phúc có được dâu thảo.
Thời gian trôi qua, chính cô gái cũng quên bẵng mình nấu thuốc để làm gì. Rồi một ngày cô sực nhớ: “Trời, thuốc của thầy lang cho đã hết rồi, vậy là cái ngày khủng khiếp đó đã sắp đến sao?”
– Con ngàn lạy thầy, thầy làm ơn cho con xin thuốc giải độc, giờ mẹ chồng con coi con như con đẻ, con cũng thấy bà như mẹ đẻ của mình. Con không đang tâm…
– Có thật là con nghĩ vậy không?
– Dạ, con đã thay đổi rồi, con cầu xin thầy cho con thuốc giải độc để mẹ con được sống.
– Thôi được, vậy thì bây giờ ta sẽ cho con biết điều này, thuốc ta đưa cho con chỉ là thuốc bổ, thuốc độc có chăng là ở trong đầu con đó. Nếu cứ ở đó nó sẽ giết cả nhà con. Thuốc ta đưa tuy mẹ con uống nhưng nó đã tẩy sạch thuốc độc trong đầu con rồi. Con phải nhớ rằng, ở đời ta đối xử với người ra sao, thì người sẽ đối xử với ta như vậy.
Mẹ chồng nàng dâu vốn dĩ không đối với nhau như mẹ đẻ con gái được là bởi trong lòng lúc nào cũng canh cánh sự đề phòng nhau, rằng lạ máu tanh lòng làm sao yêu thương nổi. Cũng chính vì không ai chịu mở lòng nên mới khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. Phật dạy, nếu muốn mẹ chồng nàng dâu hòa thuận, hãy nhớ 4 chữ sau:
Chữ hiếu
Trong ngàn việc thiện, không gì bằng chữ hiếu. Hiếu thuận là đức tính hàng đầu của con người. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, không mong hòng báo đáp, con lớn lên rồi có thể đối tốt với cha mẹ được không? Con dâu về nhà chồng, gọi mẹ chồng một tiếng “mẹ” xin hãy hiểu đạo lý này. Mẹ anh ấy mang tới cho mình một người đàn ông vững vàng, mạnh khỏe như vậy, chữ hiếu này thay lời cảm ơn, cũng xứng đáng phải không?
Chữ tình
Làm người sống ở trên đời, không thoát khỏi vòng chữ tình. Mẹ chồng – nàng dâu không phải đối thủ của nhau, hãy luôn tâm niệm như vậy. Hai người phụ nữ giành nhau điều gì? Giành nhau tình cảm của một người đàn ông. Nhưng con người đâu phải hàng hóa mà của anh, của tôi. Tình cảm không giới hạn, tình mẹ con khác tình vợ chồng.
Mẹ đẻ con gái đôi khi còn khó dung hòa, huống chi với mẹ chồng. Lúc này, con dâu hãy học Phật chữ “nhẫn” để sống chung với mẹ chồng và mẹ chồng cũng học chữ này để sống chung với con dâu.
Chữ đạo
Sống chung với mẹ chồng không dễ, sống chung với con dâu lại càng khó. Ai cũng nghĩ tới cái khổ của mình nhưng không nghĩ tới cái khổ của người khác, đó là không phải đạo. Ai cũng dùng lòng tham, lòng chiếm hữu của mình để giành giật một người đàn ông, ấy là sống sai đạo. Ai cũng làm những điều quá quắt, phạm khẩu nghiệp, phạm lỗi dối trá, bất hiếu, thất đức ấy là phạm đạo.
Con dâu nên coi mẹ chồng là mẹ mà cha mẹ thì có quyền và trách nhiệm dạy dỗ, chỉ bảo cho con cái trong nhà. Mẹ chồng nên coi nàng dâu là con mà uốn nắn, hướng dẫn chân thành. Hai người cùng sống phải đạo thì đời êm ấm.
Chữ đức
Với mẹ chồng, nàng dâu cũng vậy, người tốt với mình mình tốt lại không phải đạo lý, sống thế nào cho đúng tâm, đúng đức của mình mới là đáng quý. Người có tâm, có đức có thể cảm hóa người khác, sống đời thanh thản nhưng người vô tâm, vô đức thì chỉ gây thêm nhiều phiền muộn mà thôi.