Các nhà tâm lý học tiến hóa tới từ Singapore và London mới đây phát hiện ra rằng, những người thông minh thường khó hòa nhập và tương tác, ngay cả với bạn bè thân thiết.
Hai nhà nghiên cứu Satoshi Kanazawa tới từ trường Khoa học chính trị - Kinh tế London và Norman Li tới từ ĐH Quản lý Singapore đã thực hiện một cuộc khảo sát quy mô lớn ở 15.000 người trong độ tuổi 18-28. Họ đã áp dụng một khái niệm được gọi là “lý thuyết hoang mạc của hạnh phúc” để giải thích những phát hiện của mình.
Hai nhà khoa học phát hiện ra rằng, những người sinh sống ở khu vực càng đông dân càng ít thỏa mãn với
cuộc sống của mình. Mật độ dân cư càng lớn, họ càng cảm thấy ít
hạnh phúc hơn. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, người tham gia khảo sát tương tác càng nhiều với bạn bè thân thiết, họ càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, có một ngoại lệ lớn, đó là với những người thông minh thì hiện tượng này hoàn toàn ngược lại.
Kanazawa và Li cũng cho biết, tác động của mật độ dân số đối với mức độ hài lòng về cuộc sống của người có IQ thấp lớn gấp 2 lần những người có chỉ số IQ cao. Thực tế là, những người càng thông minh thì càng ít hài lòng với cuộc sống của mình nếu họ tiếp xúc với bạn bè thường xuyên hơn. Nói cách khác, người thông minh có xu hướng cần ở một mình nhiều hơn. Nếu họ dành quá nhiều
thời gian với bạn bè, họ sẽ cảm thấy ít thỏa mãn với cuộc sống của mình.
Carol Graham tới từ Viện Brookings - một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế học của hạnh phúc - đã có lời giải thích cho hiện tượng này. “Những phát hiện này không có gì đáng ngạc nhiên và nó cho thấy rằng những người càng thông minh ít có xu hướng dành quá nhiều thời gian giao tiếp xã hội bởi vì họ đang tập trung cho những mục tiêu dài hạn khác” - Graham nói.
Ví dụ như một bác sĩ thì thích dành nhiều thời gian để điều trị ung thư hơn, một nhà văn thì thích viết sách hơn, một luật sư nhân quyền thì thích bảo vệ quyền lợi của những người thiệt thòi trong xã hội hơn.
Việc tương tác thường xuyên với xã hội có thể khiến họ bị trì hoãn trong việc theo đuổi những mục tiêu này và ảnh hưởng tiêu cực tới mức độ hài lòng với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, lý thuyết “hoang mạc của hạnh phúc” của Kanazawa và Li lại giải thích hiện tượng này theo cách khác. Họ bắt đầu với tiền đề cho rằng, não người có khả năng tiến hóa để đáp ứng nhu cầu của môi trường khi tổ tiên loài người còn sinh sống trên các hoang mạc châu Phi - nơi mật độ dân số tương tự vùng nông thôn Alaska - chưa đến 1 người/km2.
Tuy nhiên, thời tiền sử, loài người sống bằng săn bắt hái lượm và sống theo từng bộ lạc nhỏ với khoảng 150 người sinh sống cùng nhau.
“Trong điều kiện như vậy, việc tiếp xúc thường xuyên với bạn bè, đồng minh là rất cần thiết cho sự sống còn và sinh sản với cả hai giới” - các nhà nghiên cứu nhận định.
Kanazawa và Li phát hiện ra rằng: những người thông minh có thể được trang bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi mang tính tiến hóa, vì thế sống ở một khu vực có mật độ dân số cao có thể chỉ tác động nhỏ tới hạnh phúc và đặc tính tổng thể của họ. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một lưu ý nhỏ: các nhà nghiên cứu định nghĩa hạnh phúc là mức độ hài lòng tự đánh giá, chứ không dựa trên những trải nghiệm hạnh phúc như lần cuối họ cười là khi nào hay người đó đã tức giận bao nhiêu lần trong tuần trước. Tuy vậy, Kanazawa và Li khẳng định rằng sự khác biệt này không ảnh hưởng tới lý thuyết hoang mạc của họ.
Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Tâm lý học của Anh.