Tăng lương hay được thăng chức là điều mà bất kì người lao động nào cũng đều muốn. Không những nó giúp chúng ta có vị thế tốt hơn trong công ty, tăng lương cùng đề bạt lên vị trí cao hơn còn giúp chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm mới, nhiều góc nhìn trong công việc, cuộc sống.
Mặc dù vậy, để được đề bạt lên vị trí cao hơn hay được tăng lương là một quá trình phấn đầu, rèn luyện kéo dài. Không những thế, nhiều công việc còn đòi hỏi bằng cấp một khi bạn muốn lên chức vụ nào đó, đối với nhiều người, thăng chức là điều không tưởng. Thế nhưng, không phải không có cách.
Chuyên gia tư vấn Erica Gellerman đã có một bài chia sẻ trên tạp chí The Muse về vấn đề này và cô cho rằng một khách hàng của mình đã
thành công khi được thăng chức 2 lần và tăng lương 3 lần chỉ trong vòng 18 tháng. Những gì vị khách hàng này làm hết sức đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được nó.
Gellerman cho rằng ngoài khả năng làm việc tốt trên văn phòng, yếu tố và cũng là điều quyết định giúp vị khách trên đạt được sự thăng tiến kể trên, chính là thói quen thống kê hiệu quả làm việc theo tuần. Một bản thống kê đủ chi tiết sẽ khiến bất kì vị lãnh đạo nào bị thuyết phục và chuyện được tăng lương hay thăng chức không còn là điều phức tạp.
Biết rõ mình đã làm được những gì có thể củng cố quá trình thương thuyết với cấp trên, giúp cho bạn tự tin hơn trong những lần review hiệu quả và trên tất cả, nó giúp cho bạn biết mình đang làm gì, đang ở đâu và cần có những gì để tiếp tục thăng tiến.
Vậy làm thế nào để xây dựng thói quen này?
Trước hết, bạn cần phải học được cách dành ra 10 tới 15 phút vào mỗi thứ 6 để tổng hợp lại những gì mình đã làm trong cả tuần. Có thể những gì bạn làm trong tuần không đủ để sếp cho bạn tăng lương hay thăng chức, thế nhưng hãy chọn ra một điều khiến bạn tự hào nhất mà mình đã làm được trong tuần này.
Để cụ thể hơn, hãy sử dụng bộ khung mẫu dưới đây để tự thống kê những gì mình đã làm. Hãy điền những gì đúng với công việc của bạn để tự tạo cho mình một bản thống kê tuần.
Tình huống: Mọi chuyện đang ra sao? (Nhiệm vụ hoặc những đầu việc mà bạn được giao).
Mục tiêu: Tôi cần làm gì để cải thiện tình huống trên? (Cái đích mà bạn hướng tới hoặc mục tiêu mà cấp trên giao cho bạn).
Hành động/thực tế. (Điền những gì bạn đã làm). Lưu ý trong phần này, kể cả những việc bạn không trực tiếp làm nhưng có ảnh hưởng hoặc giúp đỡ người khác cũng cần được thống kê.
Kết quả: Sau cùng những thứ bạn làm thu về được gì? (Ví dụ như tăng trưởng ra sao, dự án thành công tới mức nào, doanh thu ra sao...). Kể cả bạn không đạt được chỉ tiêu, kết quả mong đợi, cũng hãy thống kê nó ra càng chi tiết càng tốt đồng thời liệt kê xem mình kém hoặc vượt chỉ tiêu bao nhiêu %.
Feedback: Mọi người đánh giá như thế nào về những gì bạn làm? (Liệt kê ra đánh giá của cấp trên, đồng nghiệp hoặc khách hàng sau khi bạn thực hiện những việc trên. Nếu công việc của bạn không có đánh giá, bạn có thể tự mình đánh giá xem liệu đã làm hết khả năng hay chưa, điều gì có thể làm tốt hơn...).
Tiếp theo sẽ là gì? (Thống kê những cái đích, mục tiêu mà bạn sẽ thực hiện trong khoảng
thời gian tiếp theo. Bạn có thể sử dụng phần này để ca ngợi những thứ mình đã làm tốt, tiếp tục phát huy nó...).
Cứ mỗi tuần, hãy làm một bản thống kê như trên, ghi rõ thời gian ở đầu và bạn có thể in ra thành một tập dữ liệu để tiện sử dụng lại sau này. Khi lượng dữ liệu bạn có đủ, bạn cảm thấy khả năng của mình tăng dần lên, có cơ hội được tăng lương, thăng chức... đừng ngại ngần gửi nó cho sếp với đề nghị của bạn thân. Nếu bạn thật sự làm tốt công việc, sếp chẳng có lý do gì không đề bạt bạn. Thứ bạn cho họ thấy là một quá trình làm việc cần cù, hiệu quả của bạn thân.
Để xây dựng được thói quen thực hiện danh sách trên cũng như tạo cho mình được một khối lượng dữ liệu kha khá sẽ đòi hỏi tương đối nhiều thời gian. Trong quá trình làm việc, hãy điều chỉnh bản thân dựa vào dữ liệu có sẵn, chắc chắn bạn sẽ cải thiện được kĩ năng của mình, sửa chữa được những lỗi lầm không đáng có trong công việc.