Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, giao tiếp không hiệu quả là lý do vì sao nhiều mối quan hệ lại đổ vỡ. Nhưng sự thật là, chính những suy nghĩ của chúng ta về người ấy và về những vấn đề trong tình cảm của hai người mới là yếu tố chính làm mất đi
lòng tin, bào mòn cảm xúc và phá hỏng sự gắn kết từng có giữa cả hai. Do vậy, nhận thức được ảnh hưởng của những suy nghĩ tiêu cực và cách mà chúng dần ăn mòn mối quan hệ là việc làm vô cùng cần thiết để duy trì và phát triển bất cứ mối quan hệ nào.
Các khách hàng đến nhờ tư vấn thường chia sẻ với tôi về cách mà nhà tư vấn cặp đôi khuyến khích họ xây dựng một mối quan hệ bền chặt. Hai người sẽ được thực hành phương pháp
lắng nghe có phản hồi (reflective listening) bằng cách chú ý nghe và diễn tả lại những gì người kia nói, thông qua đó cả hai có cơ hội giải thích lại những điều mà đối phương còn mù mờ, hiểu sai. Kỹ năng lắng nghe này rất quan trọng để bảo đảm một mối quan hệ lành mạnh, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cần chú ý đến những suy nghĩ tiêu cực tiềm ẩn trong tâm trí mỗi người. Nếu hai bạn chăm chú lắng nghe nhau, mà trong đầu còn lưu giữ những suy nghĩ ấy thì sau cùng, vấn đề chỉ được giải quyết phần ngọn, còn gốc rễ đã bị bỏ qua.
Vậy suy nghĩ tiêu cực bao gồm những gì, chúng ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ và làm cách nào để cải thiện những suy nghĩ ấy? Dưới đây là 9 biểu hiện có thể nói là tồn tại trong mọi mối quan hệ, hãy xem xét chúng kĩ càng và ngẫm nghĩ xem, đâu là vấn đề mà bạn cùng người ấy đang phải vật lộn để giải quyết.
1. Tất cả hoặc Không gì cả: Bạn luôn cảm thấy người kia hoặc là làm sai, hoặc là chẳng bao giờ làm đúng. ("Anh ấy luôn luôn phải đúng!")
2. Kết luận thảm khốc: Một trong hai người thường phóng đại quá mức những hành động hoặc sự kiện tiêu cực có liên quan đến người kia. ("Cô ấy vừa bị trả lại thẻ và giờ chúng tôi chắc chắn sẽ phải dọn ra ngoài sống.")
3. Quả bom "Nên": Một người luôn nghĩ rằng người kia phải hiểu tâm trạng của mình, biết là mình muốn gì, cho đó là điều hiển nhiên. ("Lẽ ra anh phải hiểu là em ghét công việc này lắm chứ, mặc dù em có nói với mọi người rằng đây là một cơ hội tốt như thế nào.")
4. Gán nhãn tồi tệ: Bạn thường gán cho người kia sự phàn nàn về những thói quen xấu, một cách tiêu cực và không công bằng, đến mức quên đi những phẩm chất tốt mà người ấy có. ("Anh đúng là đồ lười mà.")
5. Trò chơi đổ lỗi: Bạn thường có suy nghĩ đổ lỗi và trách nhiệm cho người bạn đời về các vấn đề trong mối quan hệ của hai người hay những vấn đề khác lớn hơn. ("Cuộc sống của mình rắc rối thêm là vì cô ta đây.")
6. Mạch cảm xúc ngắn: Một trong hai người luôn thấy khó nắm bắt cảm xúc của người kia. ("Ai mà biết được cô ấy đang nghĩ gì chứ!")
7. Tưởng tượng thái quá: Trong trường hợp này, bạn không ngừng lo lắng, nghi ngờ, suy diễn một cách tiêu cực về người kia mặc dù những điều đó không có thật. ("Dạo này cô ấy đang bận tâm gì đó thì phải, hay là cô ấy có người khác rồi??")
8. Ngụy biện phủ đầu: Bạn cho rằng những hành động mà người kia làm là vì một động cơ nào đó. ("Anh ấy chiều chuộng mình chẳng qua là vì anh ta muốn đi chơi golf với đám bạn vào cuối tuần này thôi.")
9. Vỡ mộng ảo tưởng: Điều này xảy ra khi một người quá chú tâm vào những kì vọng đẹp đẽ mà người kia từng có trong quá khứ. ("Bây giờ anh ta chỉ còn quan tâm công việc, chẳng để ý chút nào đến nhu cầu của tôi như trước nữa.")
Mặc dù có thể có nhiều nguyên nhân ẩn sau những suy nghĩ tiêu cực trên, nhưng chung quy là do chúng ta thường bóp méo, thổi phồng sự thật, hay tập trung thái quá vào những gì chưa hoàn hảo của người bạn đời và mối quan hệ, dẫn đến niềm hứng thú bị giảm sút, các cuộc xung đột cãi vã xảy ra thường xuyên hơn. Do vậy, để vượt qua những ý nghĩ tồi tệ này, bạn cần phải học cách dồn sự chú ý của mình vào những phẩm chất và hành động tốt đẹp của người ấy.
Những cặp đôi
hạnh phúc và biết tự hài lòng thường không bị những suy nghĩ tiêu cực nhấn chìm, họ có cách nhìn nhận tốt hơn, thực tế và lành mạnh hơn về người bạn đời của mình. Cách nhìn nhận ấy cho phép các cặp đôi cải thiện sự giao tiếp, giải quyết các vấn đề và tăng cường tình cảm. Nền tảng thật sự của một mối quan hệ tuyệt vời, bí mật cho hạnh phúc của bạn, chỉ có thể được tìm thấy và xây dựng ở một nơi duy nhất - đó là từ tâm trí bạn.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn không bắt đầu mối quan hệ để nhận lại sự đối xử tồi tệ, sự ngó lơ hay bỏ rơi. Bị lạm dụng hoặc bôi nhọ, bị phụ thuộc chi tiêu, đời sống tình dục thiếu thốn hoặc phải chịu đựng những hành vi có vấn đề, chưa trưởng thành không phải là những gì tôi yêu cầu bạn phải nhẫn nhịn. Trong trường hợp này, người bạn đời cần thực hiện những thay đổi nhất định. Có thể sẽ phải cần đến tư vấn cá nhân và tư vấn cho cặp đôi như đã đề cập bên trên. Và, nếu người ấy không chịu hợp tác, bạn phải đối mặt với thực tế là anh hoặc cô ta sẽ không bao giờ thay đổi, rồi sau đó quyết định xem liệu có thể tiếp tục cố gắng chịu đựng để sống cùng người ấy không hay chấm dứt và bắt đầu một mối quan hệ mới với nhiều hi vọng hơn. Tôi luôn mong muốn giữ gìn các mối quan hệ bền vững, nhưng một khi những đau buồn diễn ra thường xuyên khiến bạn tổn thương và vô cảm, thì đã đến lúc bạn nên buông bỏ và đi tìm một tình yêu mới phù hợp hơn cho mình.