Sau khi qua hết các vòng test IQ, EQ, tiếng Anh, thuyết trình dự án kinh doanh,
Tony được lên sân khấu cùng với các thí sinh khác bẻo dèn (bẻo dèn là biểu diễn, Tony đang bị Alzheimer, tức chứng bị mất trí nhớ, nên lộn tiếng này qua tiếng kia vì giỏi nhiều sinh ngữ).
Đêm ấy. Sân khấu trang hoàng rực rỡ, có cả truyền hình trực tiếp ra ngoài sảnh. Người có vé, người không có vé lấn nhau cãi vã đôi co giành giật vào trong ngồi chứ hẻm chịu coi qua màn ảnh. Bên trong cánh gà, con bé dẫn chương trình (MC) chắc là sinh viên năm nhất, bận cái áo dài vàng thiệt đẹp, tay cầm miếng giấy, miệng lẩm nhẩm, đang đứng nôn nóng chờ. Đèn tắt cái phụp, ánh sáng bật lên, khói tỏa rào rạt. MC lao vút ra sân khấu gập đầu lia lịa kính thưa kính chào và tuyên bố khai mạc, rồi giới thiệu thí sinh và ban giám khảo.
Có 3 hội đồng giám khảo. Hồi đồng luống tuổi gồm các vị có học hàm chuẩn bị đấu trí với các thí sinh sau bao năm
đọc sách và tưởng tượng. Hội đồng trung niên gồm các CEO, chủ các doanh nghiệp. Hội đồng trẻ trung là các nhà báo. Giám khảo ngồi mấy dãy, ba bốn chục người. Chỉ nhớ là rất đông.
Các thí sinh bốc thăm giải quyết các tình huống kinh doanh, thường là xung đột giữa đạo đức và lợi nhuận. Rồi nghe các hội đồng và các thí sinh khác chất vấn ngược, lý luận tranh luận rất kinh. Năm ấy, cuộc thi bỏ qua phần thi áo tắm và thời trang dạ hội mà đi thẳng vào vòng ứng xử (có khi lộn qua cuộc thi hoa hậu?)..
Tới lượt của Tony, thí sinh già nhất cuộc thi, các thí sinh khác hãi quá không dám chất vấn (nhớ là toàn bọn năm nhất năm nhì). Vì từ trong cánh gà, Tony đã dằn mặt, Tony với cái đầu đinh và khuôn mặt đầy sẹo, vừa nói bâng quơ vừa dũa móng tay, nhẹ nhàng cứ như không có chuyện gì. Vậy mà chúng nó không biết sao lại rất hãi.
Tới lượt, Tony quần đen áo sơ mi trắng thắt cà vạt tím, diễn thuyết về đề tài "sống đẹp là thế nào hỡi bạn". Tony hùng biện lên giọng xuống giọng, trầm bổng du dương. Đâu đó, một vài bạn nữ vội lau nước mắt ân hận vì lâu nay đã sống không đẹp với ...má nó. Ban giám khảo giật mình, những đua chen danh lợi bỗng biến mất, vật chất trở nên phù du, mọi người không ai bảo ai, quay lại nhìn nhau, mắt long lanh vì cảm thấy yêu nhau quá. Một số giáo sư tiến sĩ lục giỏ, móc một số bằng cấp ra và xé vụn, vì nghĩ mình không nên mua các thể loại bằng cấp ấy nữa. Các CEO thì lật lật gọi điện trả nợ hết lương nhân viên và khách hàng, không chiếm dụng vốn nữa. Các nhà báo vội vã rút các tin giật gân kiếm tiền xuống các trang mạng để bảo vệ danh dự và nhân phẩm (chắc lộn qua những năm gần đây, chứ hồi đó toàn tiến sĩ thật, CEO có đạo đức rạng ngời và những nhà báo cao cả - dạo này trí nhớ kém thật).
Đang kể tự nhiên quên. À, gần cuối bài diễn thuyết, Tony bồi thêm vài câu thơ " nếu là con chim chiếc lá, thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Nếu có vay mà không có trả, sống là cho- đâu chỉ nhận riêng mình". Cả hội trường thảng thốt. Nhiều người vội móc tiền ra cho người khác. Không lấy cũng ép lấy, nhét vào túi quần người bên cạnh. Ngưng giây lát trong chiêu bài đầy kỹ thuật, Tony tung ra đòn quyết định. Anh ấy bèn cất tiếng hát trong trẻo và cao vút trong một sáng tác của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh
" Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
là người, tôi sẽ chết cho quê hương".
Khán giả đổ gục xuống ghế, khóc nấc lên từng hồi. Mọi người ôm chầm lấy nhau, hand in hand, face in face, mouth in mouth.
Tony nói hay đến nỗi khi dừng diễn thuyết, không ai hay biết. Quang cảnh trở nên hỗn loạn. Một giám khảo nữ ngất xỉu vì xúc động khi được nhận được quá nhiều tiền. Các thí sinh khác òa khóc vì muốn nhường hết giải thưởng cho nhau, đồng loạt bỏ thi, xé nát tấm bảng số thí sinh đeo trước ngực. Cả hội trường vang lên “Việt Nam vô địch, Việt Nam vô địch" rồi chuẩn bị chạy xe máy ào ào ra phố (không biết có lộn qua đi coi bóng đá Seagames hông nữa, bệnh Alzheimer càng ngày càng nặng).
Sau khi tranh cãi quyết liệt, hội đồng giám khảo chấm cho Tony giải thí sinh ăn mặc đẹp nhất.
Và anh ấy đã đăng quang về nhan sắc trong một cuộc thi về trí tuệ.