Nhiều ông đàn ông đàn ang đường đường chính chính, cũng châm biếm chế nhạo cô như con vật, dù trước đó nếu mà được cô cầm tay thôi thì đã hồn xiêu phách lạc. Thậm chí có người còn làm thơ dè bỉu cô với nội dung hết sức tục tĩu và được chia sẻ bằng email một cách vui mừng khôn xiết. Các tin tức cập nhật liên tục khi cô bị bắt, bị đi phục hồi nhân phẩm được mọi người theo dõi sát sao với một thái độ vừa hiếu kỳ, vừa hả hê, mát lòng mát dạ. Cô toan tự tử, nhưng đã được phát hiện và cứu. Nếu cô chết, thì đến bây giờ, xã hội quên lãng cô ngay. Nếu đau xót, thì chỉ có gia đình cô và vài người, may ra.
Lúc đó, mình muốn không vào vòng xoáy ấy. Đi uống cà phê cũng nghe, đi nhậu cũng nghe, thậm chí đi họp cũng nghe. Nhiều lúc tự hỏi, có nhất thiết trí tuệ của bao nhiêu người đi săm soi một người đàn bà đáng thương như vậy không? Có người nói phải trị để xã hội sợ mà không bắt chước? Nhưng cũng có chừa được không? Hay thậm chí lại nhiều hơn. Rõ ràng sau sự cố đó, việc lộ clip nhạy cảm ngày càng nhiều, càng nhiều.
Thời hồng hoang mông muội, cứ có sai lầm, người ta cứ sẽ trừng trị bằng một sai lầm khác, kinh khủng hơn. Lỡ chặt cây cau giết người thì sẽ xử tử hình kẻ thù bằng cách trụng nước sôi và cắt đầu làm mắm (Xem
Ms Broken Rice). Bắt được ăn cắp phải cấu véo cho tan nát đời người ta mới hả dạ hả lòng, mới sướng tay. Giờ thế kỷ 21. Sao vẫn cứ như xưa? Cũng là con người, có phải côn trùng rắn rết gì đâu mà ghét là lấy cây đập chết ? Cũng đâu phải thời "thay trời hành đạo" như trong tiểu thuyết Kim Dung.
Cư dân mạng quen với khái niệm ném đá. Xưa kia các nước Hồi giáo, những cô gái trót làm liều với người mình yêu, sẽ bị dân làng phạt. Cô gái sẽ bị trói giữa bãi đất trống, tất cả mọi người đi qua, nhặt một viên đá ném vào cô. Có viên đá to, viên đá nhỏ. Có viên rơi trúng đầu, có viên trúng mắt, trúng tay chân. Có người ném mạnh, có người ném nhẹ. Thân thể cha mẹ cô sinh ra, bị tàn phá bởi đám đông cuồng nộ. Rồi cô sẽ chết, chết trong đau đớn tột cùng của cô và trong sự vui mừng hỷ hả của dân làng. Đặc biệt là các nhà hàng xóm, cũng có con gái xấu xí hơn, thì càng vui mừng gấp bội, sự hằn học đố kỵ. Còn ở Việt Nam cũng chẳng hơn gì, một cô gái có hoang thai, sẽ bị gọt đầu bôi vôi, thậm chí thả bè trôi sông, cả làng đứng trên bờ vỗ tay, vui cười hoan hỉ, người đàn bà kia dưới sông, nước mắt ngắn dài, gọi tên cha tên mẹ, tên người thân trong tuyệt vọng và từ từ chìm xuống nước, mất hút.
Dân làng tụ họp, các cụ sai mổ lợn, ăn uống hát hò. Cả làng cười nói xôn xao, chỉ trừ gia đình cô gái nọ.
Khi cái ác đã lên tới đỉnh điểm, văn minh hãy còn quá xa vời. Dù là bây giờ, nó được gọi với một cái tên khác, hình thức khác, nhưng sự tò mò, sự hiếu kỳ, sự đố kỵ, tâm lý đám đông vẫn khiến người ta sống hết sức khổ sở. Giá mà đám đông biết dừng lại, mỗi cá nhân (có lương tâm và có việc để làm) thôi không tham gia vào đám đông ấy nữa, thì sự việc sẽ không đẩy đến chỗ quá xa. Rồi mất hút vì sẽ một sự cố khác, tò mò hơn, xuất hiện, chắc chắn.
Hãy nhìn sự vật với ánh mắt vị tha hơn, hãy coi như là một sự cố trong đời sống văn hóa văn nghệ, chứ xã hội mình còn nhiều điều phải làm lắm. Trí lực nên dành cho việc khác, thiết thực hơn. Hãy nhìn vào những điểm sáng của một bức tranh, để thấy đời này hãy còn đẹp lắm. Hàng Tàu vẫn có những cái xài rất đượci. Bài viết của
Tony lâu lâu cũng có một câu hay chứ bộ.
Xin kết thúc bài viết bằng câu hát trong bài "Biển khát" của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh: "còn tình yêu ấy, lỗi lầm sẽ qua".
Xem thêm:
Người ăn cắp cừu