Nỗi sợ hãi chắc chắn là một trong những yếu tố có ảnh hưởng nhất đến
cuộc sống của chúng ta. Và một khi bạn hỏi mọi người rằng: "Nỗi sợ hãi lớn nhất của cậu là gì?" Câu trả lời thường nhận được sẽ là sự cô đơn, thất bại hoặc cái chết.
Nhưng đối với tôi, những điều kể trên thật chẳng thấm thía gì khi cái đáng sợ nhất - vốn khiến con người già cỗi đi nhanh nhất, đó chính là một cuộc sống an phận và chui rúc trong cái vật chất của xã hội hiện đại. Một số người trong chúng ta may mắn được bao quanh bởi lối sống được phục vụ hơn là phục vụ, được thoải mái hơn là khiến người khác thoải mái. Và đây chính là mấu chốt khiến họ mãi chẳng bao giờ có thể khám phá ra những điều mới mẻ cũng như biết giá trị thật sự của cuộc sống là gì.
Một khi đã bị mê hoặc bởi cuộc sống an toàn và nhàn hạ - cơ hội để trốn thoát khỏi nó gần như là không có. Chắc chắn chúng ta sẽ không phải lo nghĩ nhiều khi mỗi sáng thức dậy đều biết rằng ngày hôm cũng như ngày hôm qua - chẳng có thử thách, khó khăn hay chướng ngại được đặt ra. Nhưng một khi đã quen dần với điều này, bạn sẽ chợt cảm thấy bản thân bị kẹt trong sự già cỗi - thật lâu và thật lâu. Có rất nhiều thứ để trải nghiệm trong cuộc sống này hơn là vùi mình vào sự tiện nghi và các phương tiện an toàn, mặc dù chúng vẫn là một phần không thể thiếu để hưởng thụ cuộc sống. Nhưng bao lâu rồi bạn chưa bước ra ngoài kia và tìm kiếm những cái mới?
Vì mỗi ngày là một món quà. Có thể sự tiện nghi và tính an toàn cao sẽ mang đến cho bạn một nền tảng vững chắc trong cuộc sống - khi bạn không phải tranh đấu quá nhiều, bạn có điều kiện gia đình hậu thuẫn... nhưng nếu nền tảng ấy khiến chúng ta mất dần đi bản lĩnh, sự đấu tranh, nhiệt huyết lẫn niềm vui trong cuộc sống thì hãy mạnh mẽ mà bước ra khỏi vỏ bọc nhung lụa. Để thay đổi, chúng ta không cần phải từ bỏ tất cả rồi xách ba lô lên đi vòng quanh thế giới (mặc dù đó cũng không phải là một ý tồi) mà chỉ đơn giản là thay đổi cách sống: những cách thức lẫn hình thức sinh hoạt hằng ngày, và rồi từ từ cảm nhận bản thân trưởng thành hơn nếu quyết định từ bỏ sự yếu đuối mà "tấm chăn" tiện nghi mang lại. Bạn phụ thuộc vào tiện nghi, đồng nghĩa tiện nghi đang điều khiển bạn.
Bạn không bao giờ biết được rằng một yếu tố mới mẻ đôi khi sẽ thay đổi cả cuộc đời mình nếu không thử. Và dù cho có không thành công, hãy cứ mỉm cười vì ít nhất bạn đã thử và làm đầy thêm túi kiến thức của mình từ kinh nghiệm đó. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người phí hoài cuộc đời của mình lăn lộn trong tấm chăn êm ấm của sự thoải mái và nhàn hạ để rồi lãng phí rất nhiều tài năng của bản thân: họ thiếu can đảm, họ sợ những điều mình không biết và và họ thích được ẩn mình trong bóng râm của sự dễ dàng. Và đối với tôi, đó là thất bại lớn nhất.
Một cuộc sống thực sự phải được lấp đầy bởi tình yêu, sự tự do, sự mạo hiểm và kể cả những khó khăn. Có đôi khi, tôi muốn khám phá hết tất cả những ngóc ngách trên thế giới này để rồi trở về nhà trong cơn hưng phấn lẫn với nỗi niềm xót xa về những
bài học cuộc sống đã dạy. Nhưng cứ hãy suy nghĩ cho thật chín chắn - vì chu du khắp nơi không phải là một trong những cách tốt nhất để phá vỡ sự thoải mái, nhưng nếu cảm thấy mình đã bị mắc kẹt quá lâu, đứng lên và đi sẽ là giải pháp tốt nhất dành cho bạn. Đương nhiên, bỏ lại tất cả phía sau và lên đường thì nghe có vẻ hơi liều và đáng sợ nhỉ? Nhưng bạn biết gì không? Một khi ngấp nghé tuổi 60 - khi bắt đầu thổi những ngọn nến mừng sinh nhật cùng hội bạn già - điều đáng sợ hơn là bạn chợt nhận ra mình đã lãng phí tuổi trẻ một cách vô ích vì chẳng có gì đáng để nhớ khi chia sẻ cùng bạn bè và con cháu.
Và cuối cùng, hãy thức dậy mỗi sáng với lòng biết ơn, cảm nhận mỗi ngày theo cách của riêng mình và - "Sống như thế nào là tùy bạn!" Cuộc sống chỉ có thể thực sự bắt đầu khi bạn ra ngoài kia, đương đầu, cảm nhận, trải nghiệm... và thôi vùi mình vào những thứ vật chất tiện nghi của xã hội lẫn bản tính an phận mà bản thân bấy lâu vẫn bị chìm đắm trong đó.
Hãy chuẩn bị cho mình một bản lĩnh sống, vì vật chất tiện nghi có thể không kéo dài, chỉ có kinh nghiệm và kiến thức mới là của bạn.