Một số thuật ngữ và khái niệm về môi trường

30/03/2016   4.710  3.67/5 trong 6 lượt 
Một số thuật ngữ và khái niệm về môi trường
Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam.Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ…Để hiểu biết hơn ta hãy cùng nhau tìm hiểu các khái niệm về môi trường.

Video Clip

1- Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên.

2- Thành phần môi trường là các yếu tố tạo thành môi trường: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.

3- Tiêu chuẩn môi trường là những chuẩn mức, giới hạn cho phép, được quy định dùng làm căn cứ để quản lý môi trường.

4- Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các công trình khác, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường.

5- Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.

6-Thông tin về môi trường bao gồm số liệu, dữ liệu về các thành phần môi trường; về trữ lượng, giá trị sinh thái, giá trị kinh tế của các nguồn tài nguyên thiên nhiên; về các tác động đối với môi trường; về chất thải; về mức độ môi trường bị ô nhiễm, suy thoái và thông tin về các vấn đề môi trường khác.

7- Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

8Sức chịu tải của môi trường là giới hạn cho phép mà môi trường có thể tiếp nhận và hấp thụ các chất gây ô nhiễm.

9- Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.

10- Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

 

11- Chất thải là chất được loại ra trong sinh hoạt, trong quá trình sản xuất hoặc trong các hoạt động khác. Chất thải có thể ở dạng rắn, khí, lỏng hoặc các dạng khác.

12- Quản lý chất thải là hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, thải loại chất thải.

13- Phế liệu là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất.

14- Chất gây ô nhiễm là những nhân tố làm cho môi trường trở thành độc hại. Nói cách khác, chất gây ô nhiễm là chất hoặc yếu tố vật lý khi xuất hiện trong môi trường thì làm cho môi trường bị ô nhiễm.

15Ô nhiễm môi trường là sự làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường.

16- Suy thoái môi trường là sự làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên.

17- Sự cố môi trường là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. Sự cố môi trường có thể xảy ra do:

a- Bão, lũ lụt, hạn hán, nứt đất, động đất, trượt đất, sụt lở đất, núi lửa phun, mưa a xit, mưa đá, biến động khí hậu và thiên tai khác.

b- Hỏa hoạn, cháy rừng, sự cố kỹ thuật gây nguy hại về môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

c- Sự cố trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản, dầu khí, sập hầm lò, phụt dầu, tràn dầu, vỡ đường ống dẫn dầu, dẫn khí, đắm tàu, sự cố tại cơ sở lọc hóa dầu và các cơ sở công nghiệp khác.

d- Sự cố trong lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử, nhà máy sản xuất, tái chế nhiên liệu hạt nhân, kho chứa phóng xạ.

Trong một số văn liệu, khái niệm sự cố môi trường được hiểu như tai biến môi trường.

18- Khí thải gây hiệu ứng nhà kính là các loại khí tác động đến sự trao đổi nhiệt giữa trái đất và không gian xung quanh làm nhiệt độ của không khí bao quanh bề mặt trái đất nóng lên.

19- Hạn ngạch phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính là khối lượng khí gây hiệu ứng nhà kính của mỗi quốc gia được phép thải vào bầu khí quyển theo quy định của các điều ước quốc tế liên quan.

 

20- Hệ sinh thái là hệ quần thể sinh vật trong một khu vực địa lý tự nhiên nhất định cùng tồn tại và phát triển, có tác động qua lại với nhau.

21- Đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái.

22- Môi trường địa chất (Geological Environment)  là phần trên cùng của vỏ Trái đất, bao gồm lớp thổ nhưỡng, nham thạch, khoáng sản, nước dưới đất cùng những trường vật lý hình thành trong đó, nơi bị con người khai phá để sinh sống và tiến hành các hoạt động kinh tế, kỹ thuật, nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng (tốt hoặc xấu) của các hoạt động nhân sinh và ngược lại cũng tác động trở lại với con người, chi phối điều tiết một cách tự nhiên, tạo thuận lợi hoặc trở ngại cho cuộc sống và hoạt động của con người.

23- Địa chất môi trường (Environmental Geology)  là lĩnh vực khoa học địa chất nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa con người với địa chất môi trường như một bộ phận cấu thành môi trường sống của giới hữu sinh. Địa chất môi trường vận dụng cơ sở lý thuyết và phương pháp luận cùng những tri thức của Địa chất học vào việc phát hiện, giải thích, đánh giá bản chất, quy luật hình thành tiến hóa của các hiện tượng và quá trình địa chất phát sinh, hoặc dự báo có thể phát sinh, do tác động qua lại giữa địa chất môi trường với con người và những hoạt động nhân sinh; từ đó đề xuất các biện pháp để một mặt phòng ngừa, chế ngự những tác động tiêu cực, mặt khác tận dụng, phát huy những tác động tích cực từ cả hai phía nhằm bảo vệ, cải tạo, hoàn thiện và sử dụng tối ưu địa chất môi trường vì sự an ninh sinh thái và sự phát triển bền vững của xã hội loài người

24- Thiên tai hoặc sự cố môi trường gây ra thiệt hại nghiêm trọng được gọi là thảm hoạ môi trường.

25- Tai biến địa chất (TBĐC) (geological hazards) là những quá trình và hiện tượng địa chất gây tai họa cho môi trường và sự sống của con người cũng như sinh vật. Tai biến địa chất có thể có nguyên nhân tự nhiên như: động đất, hoạt động núi lửa, sóng thần, trượt đất, lũ bùn đá… hoặc nhân tạo (kỹ thuật) như: sụt lún mặt đất, động đất kích thích do xây dựng hồ chứa nước lớn, thử bom hạt nhân, ô nhiễm môi trường do phóng xả chất thải độc hại…
Nhóm I: Các tai biến địa chất nguồn gốc nội sinh: Động đất; Núi lửa (phun dung nham, phun tro, phun xỉ, khí núi lửa);
Nhóm II: Các tai biến địa chất nguồn gốc ngoại sinh: Lũ quét, tích tụ, bồi lắng đất đá; Xói mòn bề mặt; Xói lở và bồi tụ bờ sông; Xói mòn bờ biển (xói lở và bồi tụ bờ biển); Sụt lún đất đá; Thổi mòn, cát bay; Xâm nhập mặn; Các tai biến địa chất liên quan đến hiện tượng karst; Các tai biến địa chất liên quan đến địa chất thủy văn (ĐCTV) (bán ngập nước các tầng sản phẩm thông nhau, hiện tượng phun bùn).
Nhóm III: Các tai biến địa chất nguồn gốc nhân sinh: Tai biến do khai thác khoáng sản, nước dưới đất; Động đất kích thích; Ô nhiễm đất; Ô nhiễm nước.
Nhóm IV: Các tai biến địa chất nguồn gốc hỗn hợp: Trượt đất: trượt đất, lở đất, trượt đá, lở đá, đá đổ, đá rơi, dòng đá rắn; Nứt đất; Các tai biến địa chất liên quan đến trường từ, điện, phóng xạ; Tai biến địa hóa sinh thái (thừa thiếu vi nguyên tố, dị thường vi nguyên tố độc hại gây bệnh diện rộng và diện hẹp) ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, vật nuôi, thực vật; Sa mạc hóa.


26- Rủi ro (risk) là sự ước lượng giá trị thiệt hại của tai biến thông qua đánh giá xác suất xảy ra sự cố. W. Smith (1996) định nghĩa rủi ro là sự phơi bày các giá trị (tài sản, tính mạng) của con người trước tai biến và thường được coi là tổ hợp giữa xác suất (xảy ra sự cố) và sự mất mát. Do đó, chúng ta có thể xác định tai biến là nguyên nhân, là sự đe doạ tiềm tàng đến tính mạng và tài sản của con người. Rủi ro là hậu quả của các dự báo về thiệt hại một khi có sự cố xảy ra do một quá trình tai biến nào đó

 Sở Địa chất Hoa Kỳ tính rủi ro bằng phương trình: R = F (Pc . Cv)
Trong đó F – Hệ số rủi ro; R – Rủi ro tính bằng tiền; Pc – Là xác suất xảy ra sự cố trong thời gian một năm; Cv – Là thiệt hại do sự cố gây ra.

Quảng cáo

Theo www.uci.vn

Người đăng

Viện đào tạo UCI

Viện đào tạo UCI

Viện nghiên cứu QTKD UCI.


Là thành viên từ ngày: 30/03/2016, đã có 19 bài viết
Website: uci.vn

Tài trợ

BÌNH LUẬN

Bạn cần đăng nhập để bình luận.
No Avatar

Chưa có bình luận nào cho bài này, tại sao bạn không là người đầu tiên nhỉ?

Bài viết khác

Bí quyết giữ chân nhân viên: Công ty là nhà
Công ty là nhà, đồng nghiệp là gia đình. Điều này đã và đang trở thành xu hướng văn hóa mới của các công ty muốn giữ chân nhân viên của mình.

Chán việc - câu chuyện không của riêng ai
Bạn là người hoài nghi. Bạn đọc những lời khuyên rằng cần phải theo đuổi đam mê và tìm kiếm công việc bạn yêu thích. Nhưng thực tế, rất nhiều người trong số chúng ta không có cách nào để cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc. Cho dù họ đang dốc sức làm việc để đạt được ...

Giúp nhân viên luôn hài lòng với công việc
Những người lãnh đạo thường có cái nhìn về bức tranh tổng thể của doanh nghiệp.