Có câu chuyện ở môn đàm phán ngoại thương được dạy ở ĐH Thanh Hoa như sau. Có lần, một ông giám đốc một công ty Trung Quốc đi đàm phán với một công ty của Mỹ. Bên Mỹ đứng ra giới thiệu “Tôi là John Smith, tiến sĩ kinh tế học, rất hân hạnh được gặp ông”. Ông Trung Quốc nghe vậy tự ái, nghĩ ông Mỹ này khinh mình. Trí khôn châu Á 6000 năm khiến ông ứng đối lại ngay, ông nói “Tôi là Bành Tử Cung, tôi là bố của 2 tiến sĩ”. Phái đoàn Trung Quốc lúc đó vỗ tay vang dội, vì đã “cho phía bên đối tác 1 bàn thua trông thấy”, vì con tôi đã là tiến sĩ, mà tôi thì là bố nó, thì ở vị thế cao hơn. “Mày cũng chỉ vai vế là con tao thôi nhé”. Nhưng ông John mới cười đáp lại là “vậy thì 2 đứa con ông có cùng học vị với tôi”. Thật ra, người phương Tây họ không quan trọng các quan hệ gia đình chằng chịt nho giáo như ta, họ chỉ quan tâm từng cá nhân, nên cách hiểu 2 bên là khác nhau.
Ngày xưa, cha mẹ, vua chua có quyền định đoạt con cái, thần dân của họ. “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Vua kêu chết, hẻm chết là không trung. Cha kêu chết, không chết là bất hiếu. Trung hiếu nhân lễ nghĩa trí tín dũng…là những khái niệm rất hay, tuy nhiên các triều đình phong kiến đã đặt hàng các triết gia qua nhiều thế hệ như Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Lão Tử…viết thành “sách có câu, sách có câu…” nhằm quản lý xã hội dễ dàng. “Tứ đức” là cái khá hay nhưng lại thêm cái “tam tòng”, “trinh tiết”, khiến phụ nữ ở các nước này sống một cuộc đời rất tội nghiệp mà họ không hề hay biết. Sau này, tư tưởng nho giáo còn di chứng lại khá nặng nề, khiến người phương Đông nói chung sống một cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến mất đi, luôn than vãn “cuộc đời là bể khổ”. Sức sáng tạo cũng kém hơn. Nuyên nhân chính là tư tưởng “Live for others”, tức sống cho người khác. Cho mà không quên. Tự nhiên thương quá thương, cái đòi hy sinh cả cuộc đời cho 1 cá thể độc lập khác, rồi bắt mang ơn, bắt nhớ về. Nó quên ơn là khóc, bứt tóc móc mắt, hờn dỗi, trách móc…”biết vậy ngày xưa tao đã, tao đã…”.
Nho giáo quan niệm đẻ con ra, con cái là tài sản của họ. Họ có quyền định đoạt tất cả. Những khái niệm như “phận làm con áo không qua khỏi đầu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”....Khi người cha người mẹ vắng mặt, người anh có quyền này với khái niệm “quyền huynh thế phụ” tức, quyền của anh như quyền của cha.
Với người châu Á, cha mẹ có vị trí vô cùng lớn. Nhiều khái niệm như “đến bố tôi cũng không làm được” rất buồn cười. Bố mẹ ông bà rất thiêng liêng, đụng đến là không thể. Mắng chửi nhau, cũng lôi bố mẹ ông bà ra nói. Với người phương Tây, ai sai người đó chịu trách nhiệm. Muốn thì chửi thẳng vào mặt từng cá nhân, không chửi cha mẹ người đó, họ là một cá thể độc lập. Không có chuyện “cha ăn mặn con khát nước”, ông ấy ăn thì ông ấy khát nước chứ mắc mớ gì tôi. Ông ấy sai thì ông ấy tạo nghiệp, ông ấy khổ. Tôi tạo phúc thì tôi hưởng. Thế thôi.
Rồi làn sóng các tư tưởng phương Tây tràn tới, nhất là khi internet ra đời, giới trẻ thì luôn luôn tiếp thu cái mới, dẫn đến xung đột giữa các thế hệ ở các nước châu Á diễn ra khá gay gắt. Nên người lớn ở châu Á phải điều chỉnh lại, cho phù hợp. Tiếp thu có chọn lọc. Bảo tồn cũng có chọn lọc. Cái gì hay thì giữ, cũ quá, lạc hậu quá thì bỏ. Nắm được các quan niệm mới để không phải tự mình chuốc lấy phiền não vì nói “con cái không nghe”.
Tony nhận một bạn vô làm việc. Bạn bận việc khác, sau đó đưa đứa em vào. Nói đây là em con, nó cũng giỏi lắm. Tony cho 1 học bổng du học, có bạn không đi, nhưng lại bảo "Con nhường suất này cho em con". Rồi có bạn còn bảo " con tính cho em con đi du học ngành A, ngành B, con lo tiền hết”. Có bạn làm lương có 7 triệu chứ phải “nuôi em đến 3 triệu”, dù đứa em đã học năm 3 ĐH, tức lớn hơn 18 tuổi rồi. Vì lỡ ngày xưa lấy tiền cha mẹ đi học, nên ra trường 1 cái là bị cha mẹ bàn giao, giờ mày làm, nuôi em. Trong khi lẽ ra, 18 tuổi là đứa em nên quyết định, học gì, làm gì, ở đâu. Các lựa chọn cá nhân, personal choices, là của riêng người ta, phải tôn trọng. 18 tuổi là có CMND, chứng minh là nhân dân rồi, là công dân, đủ các quyền từ bầu cử đến kết hôn, thì nó đã là 1 cái cây độc lập, một sinh vật trưởng thành. Mắc mớ gì xòa bóng mát che chở, tha mồi về cho ăn nữa?
Stop living for others. Cái mình nghĩ là tốt cho họ, chắc gì thật sự tốt cho họ? Trí khôn của mình là bao, đã đi qua được bao nhiêu ngóc ngách của cuộc đời mà đòi quyết định người khác? Giỏi lắm mình quen được 1000 người,
thành công thất bại của tập hợp 1000 người đó mình rút ra, là quá bé so với 7 tỷ nhân loại ngoài kia, "mẫu thử bé quá không có tính đại diện" (xác suất thống kê học nêu rõ). Ngày xưa chỉ quanh quẩn trong làng nó khác. Giờ thế giới phẳng, một cánh bướm đập ở bên kia đại dương cũng có thể gây bão bên này. Để tự mỗi cá nhân quyết định vận mệnh của họ.
Có lần 1 con dượng nọ hẹn Tony đi cà phê bàn công chuyện, tới nơi thấy 3 đứa nữa, hỏi ai thì nói con “dắt theo đứa em, con bạn, nhỏ bồ…” để học hỏi. Tony bảo thôi các bạn đi về đi. Vì có biết các bạn này là ai? Tụi này cung có biết Tony là ai mà học với hỏi. Tony chợt nhớ chuyện Tấm Cám, tới đoạn Tấm chết, bà dì ghẻ đưa Cám vô làm hoàng hậu, nói với ông vua: vua ơi, con chị nó leo cây cau, nó rớt xuống chết rồi, tui dắt con em tới cho vua nè. Ông vua hồi xưa thì ngây ngô đồng ý chứ bây giờ dễ gì. Ổng có yêu con Cám đâu. Nó có đẹp như chị nó hem? Chị ngã em nâng gì đó thì kệ tụi mày chứ tự nhiên "con chị chết bắt tao lấy con em" là sao? Là sao?
Mỗi người lo việc của mình. Anh em, con cái…trên 18 tuổi, hãy để cho họ tự quyết. Mình CHỈ GIỚI THIỆU THÔNG TIN, CƠ HỘI. Ví dụ có cuốn sách đó, có fanpage đó, có cơ hội việc làm hay du học đó…Còn quyết định đọc hay không, đi hay không, làm thế nào để đi được...thì phải tự tìm hiểu, tự tìm kiếm thông tin, TỰ NÓ QUYẾT ĐỊNH. Thể loại gì mà cha mẹ, anh chị "cho học gì học đó, bảo gì nghe đó" thì thua. Đâu phải con Cám đâu mà ngày xưa lẽo đẽo theo mẹ, kêu lấy ông vua cũng lấy. Mình nói vậy nè “Cám không yêu vua, Cám chỉ yêu
soái ca. Thì Cám chỉ lấy soái ca. Cuộc đời này là của riêng Cám. Cám là duy nhất trên trái đất này”.
Mẹ ép quá thì Cám luyện ai-eo 7 chấm, xin học bổng rồi thay đồ đi Mỹ du học.