Ngày xưa ở một tu viện tĩnh mịch trên một ngọn núi xa xôi nọ, có một nhóm các tu sĩ quyết tâm tu luyện để thăng hoa cảnh giới tinh thần dưới sự giám hộ và dẫn dắt của một vị sư trụ trì đáng kính. Nhiều người trong số họ đã đạt được thành tựu lớn và trở thành những bậc thầy vĩ đại như chính người thầy của mình.
Một hôm nọ, có một vị tiểu đệ tử ăn cắp bị bắt quả tang. Ai nấy trong tu viện đều tức giận. Sao lại có một việc nhơ nhuốc đến thế diễn ra tại nơi tôn nghiêm này? Họ đi bẩm việc này lên trụ trì. Tuy nhiên, sư trụ trì tỏ ra thờ ơ. Ông phớt lờ sự việc và không trừng phạt kẻ cắp đó.
Thế rồi một lần nữa người ta lại thấy kẻ cắp hành động. Tuy nhiên khi các đệ tử trong tu viện tức tối đến bẩm báo, sư trụ trì vẫn không trừng phạt cậu ta.
Tất cả các vị tu sĩ đều thấy sư trụ trì cư xử thật bất công. Sự bất bình ngày càng dâng cao và đi xa đến mức các đệ tử đã đồng lòng ký vào một bức thư thỉnh cầu mong sư trụ trì xử lý tên ăn cắp kia cho thích đáng, nếu hắn bị đuổi khỏi tu viện thì càng tốt. Còn nếu sư trụ trì vẫn chọn cách bao che cho kẻ phạm tội, thì bọn họ thấy rằng tốt nhất là nên bỏ tu viện mà đi cho rồi.
Nghĩ đến những lần bị ăn cắp chưa được đền bù thỏa đáng còn kẻ cắp thì vẫn nhởn nhơ, chúng đệ tử cảm thấy vô cùng căm tức. Trong lúc bộc phát ra những cơn giận, các vị tu sĩ đã bỏ qua phong thái điềm đạm, khoan dung của người tu hành, còn tu viện thì trở nên lộn xộn. Đến lúc đó, trụ trì đã cho triệu tập tất cả các đệ tử của ông lại.
Đó là một đêm khuya, khí trời lạnh lẽo, mọi người đều muốn được nghỉ ngơi, nhưng trụ trì nghĩ rằng đã đến lúc phải giải quyết sự việc này một cách dứt điểm.
Ông dùng ánh mắt yêu thương trìu mến để nhìn từng người đệ tử của mình và nói: “Các con là những đệ tử ngoan của ta, các con có thể phân định được đúng sai. Giả sử các con rời đi, ta chắc chắn các con sẽ dễ dàng được các tu viện khác thu nhận”.
Chúng đệ tử
lắng nghe sư phụ nói những lời chậm rãi và cũng cảm nhận được lòng quan tâm
chân thành mà sư phụ dành cho họ cùng nội tâm sâu thẳm của ông. Sư trụ trì tiếp tục nói với giọng từ bi: “Vậy còn người anh em không thể phân biệt đúng sai kia của các con thì sao? Ai sẽ thu nhận và dạy bảo cậu bé nếu đến cả ta cũng không chấp nhận cậu?”.
“Cậu bé còn non dại và cần ta giúp đỡ, ta cũng chỉ muốn mang lại cho cậu ấy những điều tốt nhất. Cứ mãi làm những việc xấu xa dại dột đó tức là cậu ấy tự chuốc lấy khổ đau và quả báo cho bản thân, tuy nhiên cậu ấy vẫn chưa ý thức ra được. Nghĩ đến đó thôi là ta lại cảm thấy thật đau lòng”.
Giọng nói của vị sư già vẫn đều đều: “Cho nên ta mới không đuổi cậu ấy, kể cả khi làm như vậy nghĩa là ta sẽ phải chứng kiến cảnh từng người các con bỏ tu viện này mà đi”.
Đột nhiên từ trong chúng tu sĩ đang tập hợp trong lễ đường, cậu bé ăn cắp kia bước ra quỳ trước sư phụ và các sư huynh của mình. Những lời nói chậm rãi từ bi của sư phụ giống như tiếng sét đánh tan màn mây u tối và tội lỗi trong con người cậu, cậu biết là cậu đã sai và ân hận vô cùng. Nước mắt rơm rớm, cậu cầu xin được mọi người
tha thứ và thề từ nay sẽ quyết tâm sửa đổi.
Cơn giận của những sư huynh ban nãy còn kịch liệt phản đối cậu bé bỗng tan biến. Họ chỉ đứng đó, im lặng. Ai nấy đều cảm nhận được năng lượng từ bi của vị sư già bao trùm cả tu viện.
Một vị tu sĩ cảm thấy rất hối hận. Vị này bước ra và nói: “Sao chúng con lại để bản thân mình tức giận như vậy chứ? Ngay từ ngày đầu tiên nhâp môn, thầy đã dạy chúng con phải dùng từ bi đối đãi chúng sinh, nhưng khi gặp một xíu mất mát về của cải vật chất, chúng con đã hoàn toàn quên mất lời dạy của thầy”.
Một tu sĩ khác tiếp lời: “Ban đầu ai trong chúng chúng con cũng đều muốn đến đây để tu hành khổ hạnh và đề cao tâm tính. Vậy mà… Chúng con đã rút ra bài học từ chuyện này. Chúng con xin hứa sẽ không nhốn nháo và phàn nàn như trước nữa”.
Vị tu sĩ thứ ba thở dài, đáp: “Đúng vậy. Sao lại bỏ tu viện đi được chứ! Lần sau chúng con sẽ cư xử phải phép hơn. Con muốn nói một điều rằng… qua buổi tối hôm nay, con không bao giờ quên được lòng từ bi của sư phụ. Đó là điều mà cả đời này con mãi mãi ghi nhớ trong tim”.
Đối với người tiểu đệ tử “tội lỗi” nọ, lòng bao dung của vị trụ trì già đã thay đổi cuộc đời cậu. Từ đó trở đi, cậu chỉ ước ao rằng bản thân có thể tu hành thật tốt để có được lòng từ bi giống như sư phụ của mình. Cậu đã ngộ ra rằng lòng từ bi chính là một loại năng lượng đẹp đẽ nhiệm màu, có thể thực sự cải biến con người ta trở nên tốt đẹp hơn. Nó mềm mại hiền hòa và êm ái giúp xoa dịu mọi khổ đau, mất mát, giúp lòng người thanh tịnh, nhưng nó cũng chứa đựng sức mạnh vô biên có thể làm tan chảy cả những trái tim sắt đá nhất.
Vậy là từ đó, không cần ai bày biểu, cậu tự biết đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân, cậu luôn để ý đến cảm nhận của người khác, chủ động giúp đỡ đồng môn và nhắc nhở bản thân đừng
ích kỷ mà hãy sống trung thực với có tấm lòng vị tha rộng mở. Mỗi khi mở mắt thức dậy vào buổi bình minh, cậu tự nhủ đây sẽ là một ngày trọn vẹn để cậu tu dưỡng tâm từ bi.
Nhờ ngày này qua tháng nọ siêng năng tu tâm dưỡng tính nên trong lòng cậu luôn duy trì một loại cảm giác bình hòa tự tại và tâm trí trở nên yên tĩnh. Do đó cậu bé có thể ngồi thiền thật lâu, khiến đồng môn khâm phục. Khả năng này đến từ sự thăng hoa nội tâm khi cậu đi trên con đường trở về với bản chất thiện lương trong sáng của chính mình.
Thời gian trôi qua, những ấn tượng của đồng môn về một cậu bé ăn cắp không còn nữa, mà giờ đây người ta biết đến một nhà sư có trái tim nhân từ dành cho tất cả chúng sinh. Vị sư trẻ nhận được sự kính trọng của đồng môn, sư trụ trì thì vô cùng vui mừng khi thấy đệ tử của mình thay đổi tích cực.
Thời gian lại chầm chậm trôi, người đệ tử đó đã trở thành một vị tôn sư, dùng lòng từ bi và trắc ẩn để cảm hóa và dạy dỗ những thế hệ đệ tử tiếp theo.