Từ “nghiện” thường khiến ta nghĩ ngay đến rượu và ma túy. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm trở lại đây, một loại nghiện mới đã xuất hiện: đó là nghiện mạng xã hội. Nó có thể không gây hại cho cơ thể như thuốc lá và rượu, nhưng nó lại có khả năng phá hoại lâu dài đối với cảm xúc, hành vi và các mối quan hệ của chúng ta.
Thế hệ trẻ, nhất là những người sinh từ 1984 đến 2005, đã hòa nhập mạnh mẽ vào kỷ nguyên kỹ thuật số, sử dụng công nghệ để thư giãn và tương tác với nhau. Mạng xã hội là một phần rất quan trọng trong
cuộc sống của họ; nó tương tự như sợi dây nối họ với thế giới bên ngoài.
Mặc dù mọi độ tuổi đều sử dụng mạng xã hội, nhưng nó có hại đối với người trẻ nhiều hơn so với những người đã lớn tuổi.
Tiêu phí thời gian và công sức
“Nghiện” có vẻ là một từ hơi nặng nếu sử dụng với mạng xã hội, nhưng từ này có thể dùng với bất kỳ hành vi nào đem lại sự sảng khoái và là lý do duy nhất giúp một người tồn tại qua ngày, và mọi thứ khác đều trở nên vô nghĩa. Người trẻ có thể không bị viêm gan hay ung thư phổi từ mạng xã hội, nhưng nó vẫn rất có hại.
Cái gây hại nhiều nhất chính là sự thay đổi hành vi. Nghiện mạng xã hội nghĩa là ngày càng dành nhiều thời gian online để tạo ra hiệu ứng thư giãn không đổi, và mạng xã hội trở thành hoạt động chính, lấn át hẳn các hoạt động khác. Như thế cũng có nghĩa là không còn chú ý đến những việc khác, và cảm thấy khó chịu khi không được tương tác trên mạng xã hội.
Chúng ta cũng cần phải lo lắng về tác động của mạng xã hội đối với giấc ngủ và làm những việc “offline”, chẳng hạn như dành thời gian cho công việc và các tương tác xã hội trực tiếp giữa con người với nhau. Sử dụng mạng xã hội cũng có liên quan đến trầm cảm và cô đơn, và cả hai đều bắt nguồn từ chứng nghiện mạng xã hội.
Được biết thanh thiếu niên là những người thường xuyên kiểm tra hồ sơ cá nhân và các tin cập nhật trên mạng xã hội. Họ có thể đưa ra những quyết định nhiều rủi ro hơn và dễ bị lợi dụng trên mạng. Họ thường
tin tưởng sai lầm rằng nếu có chuyện gì xảy ra họ sẽ yêu cầu trợ giúp từ cộng đồng mạng của mình, kể cả khi cộng đồng này gồm toàn những người xa lạ.
Thiếu những khoảnh khắc tự suy ngẫm
Hầu hết chúng ta đều dựa một phần vào khả năng tư duy, cảm nhận và cư xử để tạo ra hình ảnh của riêng mình. Vấn đề với mạng xã hội là hình ảnh cá nhân lại chủ yếu phụ thuộc vào người khác cùng ý kiến của họ. Một nghiên cứu gần đây cho biết so với những thế hệ trước, sinh viên đại học ngày nay có mức độ ái kỷ cao hơn hẳn (tự huyễn hoặc một cách thái quá về trí thông minh, danh tiếng trong trường hoặc độ hấp dẫn của bản thân). Đây là một dấu hiệu không hề tốt cho một xã hội nơi sự tự suy ngẫm là chìa khóa để đưa ra những quyết định có suy xét và cân bằng.
Thời đại công nghệ đã làm thay đổi bản chất của chứng “nghiện” ở thế hệ trẻ, những người cứ tưởng tránh được rượu và ma túy lại tìm đến một thứ gây nghiện khác. Mạng xã hội có vẻ đã thay thế rượu với tư cách là một phương tiện tương tác xã hội với người khác. Có lẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng trong 10 năm vừa qua, số lượng người trẻ trong độ tuổi 16-24 không uống rượu đã tăng 20%. Dành thời gian lên mạng giờ đây còn thích thú hơn là cà kê với bạn bè trong một quán rượu.
Hiện vẫn chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả để cai nghiện mạng xã hội. Mặc dù chúng ta đã bắt đầu ý thức hơn về vấn đề này nhưng chứng nghiện mạng xã hội vẫn chưa được xem là một hội chứng rối loạn tâm lý như việc lạm dụng chất kích thích. Nếu muốn điều này xảy ra, cần phải có một định nghĩa rõ ràng hơn về các triệu chứng và sự tiến triển theo thời gian.
Chúng ta sẽ phải trả lời những câu hỏi quan trọng như: Liệu nó có di truyền không? Thử máu có giúp phân biệt chứng nghiện này với các chứng rối loạn tâm lý khác không? Và liệu nó có phản ứng với các loại thuốc hay các biện pháp điều trị tâm lý khác không? Nhưng cho đến nay, số lượng các câu hỏi vẫn nhiều hơn các câu trả lời.