Một số người rất thích tặng quà cho người khác. Ai cũng hiểu rằng tặng quà cho nhau là một hành động quan trọng đối với hoạt động kết nối giữa người với người, giúp xác định và củng cố các mối quan hệ.
Nhưng vấn đề không phải ở phía người tặng quà, mà là phía người nhận quà. Mọi hành động tặng quà nơi công sở đều liên quan đến sự trao đổi tương đương. Bạn tặng quà cho một người. Người đó sẽ tự hỏi bạn mong chờ thứ gì cho có qua có lại.
Điều đáng chú ý là: Bạn tặng một món quà và tạo ra một sự bất bình đẳng, khiến người nhận phải có một hành động gì đó để đáp lại, dù đó là thái độ làm việc hăng hái hơn, hoặc một món quà tương đương, hay một lời cảm ơn chân thành.
Đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Các nhà khoa học ở Đại học Yale, Đại học Nam Carolina và Đại học New York đã hợp tác thực hiện một nghiên cứu vào năm 2014 và nhận thấy người tặng quà thường tập trung vào những gì họ nghĩ là người nhận quà sẽ thích, trong khi người nhận quà lại muốn những thứ thiết thực. Điều này có nghĩa là những gì người nhận quà muốn và những gì họ nhận được thường là hai thứ khác nhau.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia họ sẽ tặng cho người khác một chiếc bút máy thật đẹp và nặng hay một chiếc bút nhẹ hơn và mang tính truyền thống hơn. Câu trả lời đều là “những chiếc bút đẹp hơn” – nhưng họ lại muốn nhận được những chiếc bút dễ dùng và mang tính truyền thống hơn.
Chúng ta cố gắng khiến người khác
hạnh phúc bằng những món quà bắt mắt. Nhưng có vẻ họ không muốn những món quà như vậy. Họ muốn những thứ không quá đắt và có một tác dụng thiết thực nào đó. Sự hữu dụng của một món quà đẹp mắt không phải lúc nào cũng rõ ràng, và người nhận quà thường băn khoăn: Ý nghĩa của món quà là gì đây?
Chúng ta hãy nghĩ về truyền thống tặng quà một chút. Của hồi môn. Khoản tiền hiến tặng giúp tên bạn được khắc lên tấm bia đặt trước lối vào nhà hát opera. Bạn nghĩ những thứ ấy là vì người nhận ư? Không, hoàn toàn là vì người tặng. Đó là hành động phô trương địa vị thông qua giá trị món quà mà bạn có thể hiến tặng cho một người hoặc một tổ chức. Bởi trong suốt chiều dài lịch sử các nền văn minh của nhân loại, chúng ta đều nghĩ tốt và kính trọng những người cho đi nhiều nhất, chứ không phải những người có nhiều tiền nhất.
Các nghiên cứu khác về vấn đề này cũng cho thấy những điều sau:
- Người ta thích nhận những món quà mình muốn chứ không phải thứ mà bạn nghĩ sẽ phù hợp với
cuộc sống của họ.
- Những người nhận được sự khích lệ nhiều nhất từ các món quà lại là những người có công việc bất ổn định nhất (sinh viên hoặc những nhân viên ngắn hạn)
- Người ta không trân trọng những món quà từ thiện nhiều như bạn nghĩ
- Người tặng quà thu được nhiều lợi ích về tâm lý nhất
Vậy nếu bạn vẫn muốn tặng một món quà cho đồng nghiệp hoặc sếp ở nơi mình làm việc, hãy suy nghĩ thật kỹ và điều đó để có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt và đúng đắn.