Những nhà sáng tạo bậc thầy luôn có những thói quen kỳ lạ. Phải chăng đó là những yếu tố góp phần giúp họ sáng tạo hơn?
Steve Jobs thường ngồi trên bồn vệ sinh, thả lủng lẳng đôi chân trần của mình trong nước khi ông đưa ra những ý tưởng mới. Yoshiro Nakamatsu, nhà phát minh đĩa mềm, sẽ nhảy xuống dưới nước cho đến khi bộ não của ông bị mất gần hết oxy, sau đó viết ý tưởng của mình trên một tấm bảng dính dưới nước.
Có nhiều điểm tương đồng giữa những bậc thầy sáng tạo này và sáu thói quen nổi bật dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn mới mẻ hơn về sự sáng tạo và làm cách nào để có được cảm hứng sáng tạo.
1. Dậy sớm
Không phải tất cả những người sáng tạo đều có thói quen dậy sớm. Franz Kafka thức cả đêm để viết. William Styron thì dậy lúc 12h trưa. Tuy vậy, số liệu cho thấy đa phần những người sáng tạo thường dậy rất sớm. Danh sách trải dài từ Benjamin Franklin tới Howard Schultz hay Ernest Hemmingway, v.v… Dậy sớm là một cách để tránh phiền nhiễu.
Bí quyết để tập thói quen dậy sớm là thực hành mỗi ngày và tránh tối đa việc ngủ nướng thêm, bất kể bạn có mệt đến mức nào. Dần dà, bạn sẽ đi ngủ sớm hơn để đảm bảo
thời gian ngủ. Có thể bạn sẽ cảm thấy khá mệt mỏi vào những ngày đầu. Nhưng bạn sẽ quen dần với điều đó và trước khi bạn nhận ra, bạn đã gia nhập vào đội ngũ những người sáng tạo có thói quen tốt này.
2. Tập thể dục thường xuyên
Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra lợi ích của việc tập thể dục đối với sự sáng tạo. Thể chất tốt giúp bạn tăng sự tập trung và nâng cao năng suất. Mặt khác, tập thể dục giúp bạn thoát khỏi guồng quay công việc, tạo cơ hội để bạn tự phản ánh quá trình làm việc của mình.
Trong một nghiên cứu ở Stanford, 90% người tham gia nghiên cứu sáng tạo hơn sau khi tập thể dục. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người sáng tạo
thành công tập thể dục hàng ngày. Kurt Vonnegut tham gia bơi lội, hít đất mỗi ngày. Richard Branson chạy mỗi sáng. Nhà soạn nhạc Beethoven và Tchaikovsky cũng chọn cách đi bộ mỗi ngày để rèn luyện thể chất.
3. Có lịch trình nghiêm khắc
Một quan điểm sai lầm cho rằng để sáng tạo, ta cần phải sống hơi bừa bộn và không có kế hoạch. Nhưng thói quen của những người thành công và sáng tạo xuất sắc lại rất khác. Trong thực tế, hầu hết họ đều lên lịch trình cho công việc sáng tạo một cách nghiêm túc. Nhà tâm lý học William James cho rằng chỉ bằng cách có một lịch trình chúng ta mới có thể "giải phóng tâm trí của mình để tiến tới những vùng đất thực sự thú vị".
4. Duy trì công việc kiếm sống hằng ngày
Sáng tạo sẽ thăng hoa khi bạn tạo ra sản phẩm cho chính mình. Sáng tạo trở nên khó khăn hơn khi thu nhập của bạn phụ thuộc vào sản phẩm bạn tạo ra (và bạn sẽ suy nghĩ quá nhiều về ý kiến của khách hàng đối với sản phẩm của mình). Có lẽ đây là lý do tại sao rất nhiều người sáng tạo thành công vẫn giữ công việc hằng ngày của họ. Nhiều người trong số họ, như Stephen King, đã tạo ra các tác phẩm tuyệt vời trong khi vẫn giữ công việc là một giáo viên.
Danh sách những người sáng tạo thành công nhưng vẫn giữ công việc kiếm sống của họ rất dài. Một số cá nhân đáng chú ý bao gồm Jacob Arabo, người đã bắt đầu thiết kế đồ trang sức của mình trong khi làm việc tại một cửa hàng nữ trang; William Faulkner đã làm việc trong một nhà máy điện trong khi viết "Khi tôi đang chết"; và nhạc sĩ Philip Glass vẫn giữ công việc thợ ống nước của mình.
5. Học cách làm việc bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu
Rất nhiều người làm việc tại một địa điểm duy nhất, họ tin rằng không thể hoàn thành công việc ở bất cứ nơi nào khác. Đây thực ra là một điểm yếu. Nghiên cứu chỉ ra rằng thay đổi môi trường có lợi cho năng suất và sự sáng tạo.
E.B.White, tác giả của "Charlotte's Web", từng nói: "Một nhà văn chờ đợi những điều kiện lý tưởng để làm việc sẽ chết mà không viết ra một từ nào trên giấy." Điều này đúng đối với mọi tác phẩm sáng tạo. Nếu bạn cứ tiếp tục chờ đợi điều kiện hoàn hảo, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ sản phẩm nào cả.
Steve Jobs bắt đầu Apple trong nhà để xe của mẹ mình. JK Rowling viết những ý tưởng đầu tiên về "Harry Potter" vào một chiếc khăn ăn trên tàu. Khi bạn có một ý tưởng sáng tạo, đừng chờ đợi mà hãy hành động càng sớm càng tốt. Nên nhớ rằng những ý tưởng bất chợt đó có thể là nền tảng của một tác phẩm tuyệt vời trong tương lai.
6. Hiểu rằng “không có cảm hứng" chỉ là cái cớ cho sự trì hoãn
Chừng nào trái tim bạn vẫn đập, bạn có khả năng tìm ra những ý tưởng mới và thực hiện chúng. Có thể đó chưa phải là ý tưởng tuyệt vời, nhưng kẻ thù lớn nhất của sự sáng tạo là không hoạt động gì cả.
Tác giả Jodi Picoult đã phát biểu về “cảm hứng” một cách hoàn hảo: "Tôi không tin vào sự lí giải “không có cảm hứng” của tác giả. Thử nghĩ xem, khi ở trường đại học và bạn buộc phải viết một bài báo cáo, chẳng phải bạn luôn hoàn thành đêm trước hạn chót mặc dù bạn có hứng hay không? Nếu bạn đặt ra một khoảng thời gian để viết, bạn chỉ cần ngồi xuống và viết thôi. Bạn có thể không viết tốt mỗi ngày, nhưng bạn luôn có thể chỉnh sửa một trang viết không ổn. Bạn không thể chỉnh sửa một trang trống.”
Bình luận của Picoult đã nêu ra một chân lý về sự sáng tạo - cách duy nhất để duy trì sáng tạo là không ngừng tiến lên phía trước.
Kết hợp tất cả lại với nhau
Theo kinh nghiệm của tôi, bạn phải thực sự toàn tâm toàn ý đối với sự sáng tạo nếu bạn muốn phát triển nó. Hãy thử sáu thói quen trên và quan sát tác động của chúng đối với bạn. Chúc bạn thành công trên con đường sáng tạo.