Trong thời đại mà công nghệ thay đổi từng giờ, tốc độ trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều công ty công nghệ. Làm việc ngoài giờ (Overtime – OT) vì vậy không còn là chuyện xa lạ đối với dân công nghệ. Để hoàn thành dự án trong
thời gian gấp rút, để kịp ra mắt sản phẩm, họ thường phải làm việc xuyên đêm, có khi trong nhiều ngày liền. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa công việc và
cuộc sống mà nhân viên trong các công ty công nghệ thường gặp phải.
Đã có nhiều nhà tuyển dụng nhận ra được điều này và thay vì khuyến khích nhân viên bằng những lợi ích liên quan đến tài chính như tăng lương thưởng hay phiếu mua sắm đắt tiền, họ chọn phương pháp giúp nhân viên của họ không để trôi tuột những niềm vui thật sự trong cuộc sống.
“Vui lòng không làm phiền Eric Poirier trong khoảng thời gian từ 18g – 20g khi ông ấy đang dành thời gian cho gia đình” - đây là một trong những điều khoản được đặt ra bởi CEO của công ty công nghệ Addepar. Ông cũng khuyến khích các nhân viên của mình áp dụng điều này cho chính bản thân họ.
Đây là ví dụ điển hình về một xu hướng mới đang phát triển ở các công ty công nghệ ở Silicon Valley. Sử dụng những phúc lợi thúc đẩy sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc để thu hút, giữ chân, tương tác và động viên nhân viên của họ. Điều này giúp công ty trở thành một nơi giống như là nhà của nhân viên. Thực tế trên thế giới hiện nay, các công ty IT đều đang đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng văn phòng thoải mái cho nhân viên làm việc để họ có cảm giác như đang ở nhà. Cung cấp bữa ăn miễn phí, đầu tư máy chơi game, sân golft mini, bàn bóng bàn, dịch vụ massage, dịch vụ giặt ủi tại chỗ,… Đây là những ví dụ rất tốt giúp văn phòng trở nên thân thiện hơn thay vì chỉ là nơi-làm-việc.
Quan tâm đến nhân viên là điều bình thường. Vì vậy, để tạo sự khác biệt, nhiều công ty có những chính sách đặc biệt không chỉ liên quan đến nhân viên mà cả gia đình và người thân của nhân viên.
Theo một cuộc khảo sát gần đây do StackOverFlow thực hiện trên hơn 56.000 software developers kinh nghiệm (từ 30 tuổi trở lên), hơn 41% trả lời rằng những lợi ích hàng đầu mà họ quan tâm sẽ thay đổi sau thời gian dài gắn bó với công ty do sự thay đổi về tình trạng hôn nhân, sức khỏe,…Nếu bạn không thay đổi và cập nhận những lợi ích mới cho họ, nguy cơ họ nghỉ việc là rất cao. Hãy bắt đầu chú ý nhiều hơn đến sự thay đổi này, ví dụ như cung cấp dịch vụ khám sức khỏe miễn phí và chuyên sâu cho người thân của nhân viên, tăng trợ cấp nghỉ thai sản cho mẹ, tăng thời gian phép nghỉ của người cha trong thời gian đầu có con, tăng thời gian nghỉ phép để chăm sóc cho bố mẹ lớn tuổi, giới hạn thời gian trễ nhất nhân viên làm ngoài giờ, tổ chức teambuilding, các giải đấu thể thao, đi dã ngoại, xem phim cả công ty và khuyến khích họ dẫn theo gia đình…
Tùy thuộc vào điều kiện của từng công ty, hãy cho nhân viên của bạn thấy rằng bạn không chỉ quan tâm họ mà còn cả người thân và những mối quan tâm của họ. Họ sẽ muốn gắn bó lâu dài với bạn và công ty. Để nhân viên hiểu được những nỗ lực này, bạn có thể đưa nó vào những giá trị cốt lõi của công ty và cùng nhau phát triển chúng.
Lời kết: Không riêng ngành công nghệ, trong bất cứ lĩnh vực nào, tìm kiếm được một nhân viên giỏi đã khó, để giữ chân người đó còn khó hơn. Đối với nhiều người, lương thưởng không bao giờ là yếu tốt quyết định họ sẽ chọn ở lại hay ra đi. Còn có những yếu tố khác giúp nhân viên cảm thấy mình là một phần của công ty để từ đó thêm yêu và gắn bó với công ty.