Hãy nghĩ mà xem. Ví dụ ông Buffett đã đặt cược lớn vào ngành công nghiệp đường sắt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một chiếc tàu hỏa chở rác thải bị trật đường ray? Điều gì sẽ xảy ra với cổ phiếu đường sắt của ông? Tương tự như vậy, điều gì sẽ xảy ra với những vụ đầu tư lớn mà ông thực hiện ở các nhà băng và các công ty dịch vụ tài chính nếu xảy ra một vụ suy thoái khác? Chừng đó cũng đủ để khiến bạn phát điên.
Thế nhưng ông Buffett vẫn bình chân như vại. Dù đã đặt cược tất cả tiền bạc, nhưng ông chẳng lo lắng gì về chúng. Nhưng tại sao?
Câu trả lời là ông đã thực hiện theo bí quyết quý báu nhưng đôi khi bị xem thường được chia sẻ trong cuốn sách “How to Stop Worrying and Start Living” của Dale Carnegie. Mặc dù Carnegie có lẽ nổi tiếng hơn với những cuốn sách khác viết về việc thuyết trình trước công chúng và tạo ảnh hưởng, nhưng ông Buffett đã học cách áp dụng nhiều bí quyết của Carnegie để sống một
cuộc sống vô lo.
1. Tách biệt vấn đề
Mấu chốt đầu tiên trong việc ngăn những lo lắng chi phối cuộc sống của bạn là tạo ra những khoang kín xung quanh những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của bạn. Cũng giống như bạn có thể hàn kín chỗ bị rò rỉ trên tàu để ngăn nó bị chìm, bạn phải tách biệt những phần khác nhau trong cuộc sống của bạn: công việc kinh doanh, các mối quan hệ hay các vấn đề tài chính- để chúng không ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, ngay cả khi bạn có một ngày mệt mỏi ở công sở, bạn vẫn cần tìm ra cách để trở thành người cha người mẹ tốt nhất khi về nhà.
2. Hiểu vấn đề
Nếu có điều gì không như mong đợi xảy ra với một số mặt trong cuộc sống của bạn, thì đừng làm quá lên trước khi bạn thu thập đủ thông tin. Thật dễ sợ những điều mình không biết, vậy hãy dành
thời gian hiểu xem cái gì đã gây ra vấn đề. Bạn càng hiểu điều gì đó thì bạn càng ít lo lắng về nó.
3. Chuẩn bị chấp nhận điều tồi tệ nhất
Sau khi đã biết loại vấn đề mà bạn đang đối mặt, hãy tìm hiểu xem hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì. Sau đó làm hòa với nó. Nếu có thể chấp nhận tình huống tồi tệ nhất, thì bạn có thể dễ dàng loại bỏ mọi lý do để tiếp tục lo lắng về nó.
4. Ra một quyết định
Khi bạn đã chấp nhận mọi kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra, thì bạn có thể thực sự bắt đầu nghĩ về cách tạo ra kết quả tốt hơn. Hãy cân nhắc những thông tin mà bạn có sẵn và quyết định cách bạn có thể làm. Và thay vì bế tắc với những vòng xoáy lo lắng, khiến bạn cảm thấy tê liệt vì cảm thấy không có đủ thông tin, hãy ra quyết định khi bạn cảm thấy mình đã có 75% thông tin mà mình cần.
5. Hành động
Có câu chuyện cách ngôn cổ rằng: có 5 con ếch ngồi trên một khúc gỗ. Một con ếch quyết định nhảy xuống. Hỏi còn lại bao nhiêu con ếch trên khúc gỗ? Câu trả lời là 5, vì quyết định và hành động là những việc hoàn toàn khác nhau. Sau khi bạn đã ra quyết định về điều mình có thể làm để cải thiện tình hình, hãy hành động theo quyết định đó vì hành động sẽ ngay lập tức giảm mức độ lo lắng của bạn.
6. Buông bỏ
Sau khi đã làm mọi việc có thể để đương đầu với tình huống xấu nhất, thì đã tới lúc chấp nhận điều xảy ra. Chẳng có ích gì khi cứ lo lắng về nó khi bạn không thể làm gì với nó cả. Hãy làm hòa với vấn đề và tiếp tục chuyển sang vấn đề tiếp theo.
Nếu Warren Buffett, người có hàng tỷ lý do để lo lắng có thể áp dụng 6 bước trên để giải phóng bản thân ông khỏi những lo lắng, thì bạn cũng có thể áp dụng được.