1. Biết cảm thông với người khác
Khi làm ai đó tổn thương, cha mẹ nên dạy trẻ biết nhìn lại cách ứng xử của mình và nhận biết đúng sai trong đó. Nếu biết xem xét lại bản thân và có lòng thông cảm, việc đầu tiên trẻ ý thức được chính là liệu hành vi của mình có làm phiền người khác không. Một khi xây dựng được thói quen này, trẻ tự nhiên sẽ biết suy nghĩ cho người khác.
2. Đặt mình vào vị trí của người khác
Hãy để trẻ biết rằng việc đáp lại người khác là phép xã giao cơ bản và trẻ nên tỏ thái độ biết ơn người đã cho trẻ thứ gì đó tuy rằng trẻ có thể không thích. Điều này giúp trẻ biết được tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác ngay từ khi còn nhỏ.
3. Nâng cao kỹ năng giao tiếp của trẻ
Trẻ phải được tương tác với người khác để tăng cường các kỹ năng xã hội. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ chơi với bạn bè để học các kỹ năng giao tiếp với mọi người thay vì chơi với điện thoại, ipad hoặc máy tính.
4. Kiểm soát hành vi hiếu chiến
Khi thất bại trong việc thể hiện bản thân qua hình thức ngôn ngữ, một số trẻ có xu hướng đánh người khác. Do vậy cần dạy trẻ cách thức kiểm soát những hành vi hiếu chiến trước khi trẻ được 5 tuổi.
5. Dọn dẹp căn phòng gọn gàng
Trẻ nên được học cách tự chăm sóc bản thân, bắt đầu từ việc dọn phòng, sắp xếp tủ quần áo, tủ đồ chơi cho đến vấn đề vệ sinh cá nhân. Điều này nhằm xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai. Trên thực tế, một người nếu không sẵn lòng làm việc nhỏ sao có thể làm được những việc lớn.
6. Học cách chia sẻ
Chia sẻ không chỉ là một đức tính tốt, mà còn là nguồn sức mạnh giúp con người vượt qua những lúc khó khăn. Chính vì thế, nuôi dưỡng trong tâm hồn trẻ đức tính chia sẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ là một điều vô cùng cần thiết. Hãy bắt đầu bằng cách dạy trẻ biết chủ động chia sẻ đồ chơi, đồ ăn nhẹ với những người xung quanh.
7. Thân thiện với người khác
Hãy giúp trẻ phát triển thói quen chào hỏi người khác. Yêu cầu trẻ chủ động chào đón người quen, kết bạn với người khác, không có thái độ hằn học, biết cư xử cho phải phép.
8. Tôn trọng người cao tuổi
Giúp trẻ xây dựng thói quen tốt trong việc tôn trọng những người lớn tuổi hơn mình và biết quan tâm đến những người cao tuổi.
9. Xây dựng thói quen xin lỗi
Việc trẻ tự nguyện xin lỗi là biểu hiện cho thấy trẻ đã được nuôi dạy tốt. Nếu trẻ mắc một lỗi nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại lỗi nào đó thì cha mẹ cần thật sự nghiêm khắc với trẻ, đôi khi trẻ cần phải bị phạt.
Để có được những thói quen tốt, trẻ cần được hướng dẫn liên tục. Trẻ cần người lớn dạy bảo, hướng dẫn và hỗ trợ trong suốt quá trình khôn lớn và học hỏi. Điều này không có nghĩa là cần phải đưa cho trẻ danh sách những điều nên làm và không được làm vì nếu danh sách này dài quá hoặc quá phức tạp, trẻ dễ bị nhầm lẫn. Đôi khi sẽ rất hữu ích nếu kéo trẻ vào cùng thảo luận về một số quy tắc cơ bản trẻ cần thực hiện, điều này giúp trẻ hiểu được giá trị của việc có các quy tắc và sẽ khuyến khích trẻ cùng hợp tác.
Trẻ cần phải biết những gì bạn mong đợi vào trẻ để có hành vi cư xử phù hợp. Hãy nhớ là cách tiếp cận tích cực và có tính xây dựng là cách tốt nhất để định hướng hành vi cho con bạn.
Điều này có nghĩa là hãy để trẻ thấy bạn quan tâm đến trẻ khi các bé đang hành xử một cách đúng đắn và nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc chỉ ra những điểm trẻ thực hiện chưa phù hợp.
Những quy tắc của gia đình giúp định hình hành vi cụ thể, rõ ràng mà bố mẹ mong muốn ở trẻ. Những quy tắc nên là cụ thể cho một số tình huống, ví dụ quy tắc trong giờ ăn tối. Cũng cần quy định rõ những hành vi nào là không được chấp nhận.
Hành vi của trẻ và mối quan hệ của bạn với trẻ có thể sẽ tốt hơn nếu xác lập được các quy tắc này. Hãy nhớ rằng các quy tắc cần nhất quán và có thể dự đoán được thì mới mang lại hiệu quả tốt.