Hầu hết những con người vĩ đại từ cổ chí kim đều sở hữu chỉ số IQ rất ấn tượng, trong đó phải kể đến nhà bác học của mọi thời đại Albert Einstein có IQ lên tới 160-190, nhà hội họa thiên tài Leonardo da Vinci với chỉ số IQ là 180-190 hay kiện tướng cờ vua Judit Polgar sở hữu IQ là 170.
Đối với một người bình thường, con số này chỉ dao động quanh khoảng 100. Như vậy chắc là chỉ số IQ dưới 100 bị coi là kém thông minh rồi!
Nhưng, sự thực có phải vậy?
IQ có thực sự đo được trí thông minh?
Thực tế cho thấy, những bài kiểm tra đo chỉ số IQ thường chỉ đo được khả năng tiếp nhận kiến thức của con người chứ không phải trí thông minh bẩm sinh được thừa kế từ cha mẹ.
Hiện nay, một bài kiểm tra IQ được cho là có thể đo được trí thông minh của con người dựa trên 9 lĩnh vực do tiến sĩ tâm lý học Howard Gardner phân loại, bao gồm: Âm nhạc, Không gian, Ngôn ngữ, Tư duy Logic, Vận động, Tương tác, Nội tâm, Thiên nhiên và Tồn tại.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trí thông minh được phát huy trên 9 lĩnh vực đó mà còn mở rộng ra rất nhiều ngành khác nữa. Vậy bạn có nghĩ rằng một bài kiểm tra IQ đơn thuần có thể khám phá ra được khả năng tiềm ẩn của bạn không?
Độ tin cậy của những bài kiểm tra năng lực không chỉ xoay quanh bài kiểm tra IQ mà ngay cả những bài kiểm tra chuẩn hóa khác như SAT, GMAT, GRE cũng khó tránh khỏi những nghi ngờ về khả năng đánh giá đúng năng lực của con người.
Bởi đơn giản, một bài kiểm tra trắc nghiệm đâu thể nói lên bạn là ai, bạn có tài giỏi hay không? Cho dù có đúng đi chăng nữa, những bài kiểm tra này chỉ có thể đánh giá bạn tại thời điểm đó, bạn của ngày hôm đó? Nếu bạn tin vào bài kiểm tra đó và cho nó rằng đó là số phận của mình, rằng bạn không thể thay đổi thì liệu có đáng hay không đây?
Vậy, IQ có thực sự quan trọng?
Nhà bác học Thomas Edison đã từng có câu nói nổi tiếng rằng: “Thiên là là 1% cảm hứng, 99% mồ hôi”. Nói như vậy để thấy rằng, trong
cuộc sống này, điều tạo nên
thành công không phải là trí thông minh hay tài năng thiên bẩm mà chính bởi từ thái độ cần cù lao động của mỗi người.
Không thể phủ nhận rằng, sinh ra với chỉ số IQ cao, bạn sẽ có lợi thế hơn những người bình thường, con đường đến đích của bạn sẽ ngắn hơn so với những người xung quanh. Nhưng nếu bạn chỉ sinh ra như một con người bình thường với một chỉ số IQ trung bình thì sao?
Chẳng sao cả? Đường dài hơn thì hãy bước nhanh hơn, rồi bạn cũng tìm thấy đích đến của cuộc đời mình mà thôi. Vì thế IQ 120 hay 85 đi chăng nữa cũng chẳng là vấn đề gì quá to tát.
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh, người thông minh có IQ cao chỉ chiếm 25% trong tổng số những người thành công trong cuộc sống. Vậy còn 75% những người còn lại thì sao? Chắc chắn những con người này không có IQ cao.
Bởi bên cạnh IQ, yếu tố dẫn đến thành công trong sự nghiệp phải kể đến cả
EQ (viết tắt của cụm từ Emotional Quotient – chỉ số cảm xúc) nữa. Trong khi chỉ số IQ có thể đánh giá được phần nào năng lực trí tuệ và tư duy của một con người thì EQ có thể giúp bạn phát triển về nhiều kĩ năng khác như kĩ năng giao tiếp, ứng xử và kĩ năng lãnh đạo. Đây mới thực sự là điều quan trọng tạo nên thành công như mong đợi.
Cần phải làm gì nếu IQ không cao?
Thay vì ngồi đó than phiền và buồn chán và chấp nhận rằng bản thân mình kém cỏi, hãy học cách trở nên độc lập hơn. Đừng để cho người khác nói cho bạn biết bạn là ai, hãy chứng minh cho mọi người thấy bạn thật sự là ai! Bạn có thể chọn cách chấp nhận con số đó và tin rằng mình sinh ra để làm người thất bại thì cứ việc, nếu không thì hãy hành động để thay đổi nó đi.
Hãy nhớ rằng, bản thân mỗi người là một cá thể độc lập. Trái Đất có hơn 7 tỉ người và không ai giống ai cả. Vậy nên hãy ngừng so sánh bản thân với bất kì ai khác. Có thể họ hơn bạn ở một chỉ số tên gọi là IQ nhưng biết đâu rằng, bạn lại vượt trội hơn những người đó ở khía cạnh khác. Chỉ là bạn chưa khám phá ra mà thôi.
IQ thấp nhưng lại tự ti và hay buông xuôi, chán nản thì vĩnh viễn không thể thể phát triển được. Thái độ cầu tiến chính là chìa khoá quan trọng nhất bạn nhé!