Dù sao cũng vài dòng “cám ơn đã dành
thời gian phỏng vấn tôi" như là 1 phép lịch sự, dù không có bắt buộc. Chờ miết hẻm thấy đứa nào gửi. Nên đành phải phỏng vấn tuyển tiếp.
Tony nói thôi mày khùng quá John. Tết Công Gô cũng không tìm ra. Kiếm đứa nào mới ra trường, mặt mũi thông minh lanh lẹ, học trường nào cũng được, miễn là có đọc
Tony Buổi Sáng thì đều là đứa khá về mặt tư duy và đạo đức, rồi đào tạo chuyên môn, ươm trồng rồi hái quả.
Nói mới nhớ. Có mỗi cái hậu thư (follow-up letter) hay thư cám ơn ( thank-you letter), sao ít ai biết. Nhiều bạn kém 1 chút, nhưng phỏng vấn xong, về nhà gửi 1 thư cám ơn. Nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm. Vì hành động chút xíu đó thể hiện sự chỉn chu, tinh tế, biết trước biết sau, kỹ càng, lịch sự. Doanh nghiệp thấy đứa này với tính tình dễ thương, sau này đối tác khách hàng gì cũng yêu mến mà mọi việc thuận buồm xuôi gió. Làm cái gì cho công ty cũng hanh thông vì người ta có cảm tình.
Cám ơn là câu cửa miệng, nhưng với người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cám ơn xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là 1 tiêu chí để đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ. Người ta cho mình cái gì, dù nhỏ xíu xìu xiu, cũng phải biết ơn. Còn cũng có thể loại đi tới nhà người ta ăn uống đã đời, về im thin thít. Hẻm có nổi cái tin nhắn “đã về nhà an toàn, cám ơn Tony đã cho em ăn bữa tối hôm nay”, thật ra cũng chỉ là thông báo đã về an toàn. Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bển thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì hẻm có nổi cái email cám ơn về sự đón tiếp của bạn (thanks for your hospitality). Phép lịch sự và lòng biết ơn tối thiểu này, sao ko ai dạy tụi nhỏ cả. Để ra quốc tế, người ta nói người Việt thực dụng thế này vô cảm thế kia. Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là phủi đít cái rẹt. Vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, em chào chụy, chụy lái đò của em...
Ngày 20/11 thì chỉ đi thăm thầy thăm cô lúc đang còn học lớp của họ, chứ học xong là quên luôn, gặp ngoài đường giương mắt ếch ra nói ông này bà này nhìn quen quen. Lúc cần xác nhận bảng điểm hay bằng cấp hay thư tiến cử đi xin học bổng gì đó, thì lại vác mặt đến nói cô nhớ em hem, làm là Tèo lớp cô ngày xưa nè, giả lả kể kỷ niệm này kỷ niệm kia. Nhiều thầy cô ký đại cho xong chứ chẳng biết nó là ai, và nó cũng chẳng cần gì ngoài cái chữ ký ấy. Nuôi mèo nuôi chó thì bắt nó ăn phân, bắt giữ nhà,nhưng nổi cơn thèm đạm lên là ông chồng lấy chày đập phát chết tươi, bà vợ cạo lông rồi bỏ vô nồi luộc, 2 vợ chồng ngồi ăn nói sướng mồm ghê nhỉ. Cái đuôi hay vẫy này, em hầm em ninh với đỗ đen ăn cho bổ. Cái tay hay bắt này, rựa mận nhá anh. Cái lưỡi hay liếm chủ nè, để chụy xắt mỏng làm nộm hoa chuối. Cái tư tưởng “nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân” từ Trung Hoa đã lây lan sang biên giới, rồi phát triển mạnh mẽ dưới hoàn cảnh đói kém ở nông thôn thời phong kiến, nay ở thành phố người ta lại muốn phục hưng cái hủ tục lạnh lùng ấy, một cách vô cảm và vô ơn. Các bạn trẻ nên nhớ điều này, thấy mấy đứa ăn chó ăn mèo thì nói nó, nó mà không nghe thì thôi nghỉ chơi. Thể loại vô cảm với vật, thì cũng sẽ vô ơn với người, không nên chơi.
Cũng có thể loại người, cả chục năm không gọi không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi, nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn lớp 7 của mày nè, nhớ hông nhớ hông. Thì y như là: 1-mượn tiền, 2- mời đám cưới, 3- nhờ vả gửi con gửi cháu. Tony gặp thể loại này là từ chối thẳng, nói cho mày mượn tiền rồi sao lấy lại được. Hổng lẽ chục năm sau mày lại xuất hiện rồi trả? Nó giận dỗi, nói mày không coi trọng bạn học gì cả. Bạn học là cái gì đâu, chẳng qua trời xui đất khiến sao đó mà hồi đó ngồi chung với mày 1 lớp vậy thôi chứ gì mà ghê vậy. Tony nghĩ dù là bạn gì cũng vậy, phải có tình có cảm, có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, chứ chỉ xuất hiện lúc cần, biến mất, rồi lại xuất hiện, thì mối quan hệ đó để làm gì. Tốt nhất là dẹp cho xong. Mình chỉ có 24h trong ngày, đi làm hết 8 tiếng, ngủ hết 8 tiếng, chỉ còn có 8 tiếng còn lại và có tới 7 tỷ người trên trái đất này. Hãy dành thời gian cho người xứng đáng.
Nhiều người chả rõ tôn giáo mình là gì, lâu lâu đến chùa đến miếu là để xin. Xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được Tèo Đô La để con có tiền đô con xài, cho con trúng số... toàn xin với xỏ, chứ giáo lý Phật pháp 1 chữ không biết, chẳng biết cái miếu đó thờ ai. Mua chim thả phóng sinh, thả cá thả rùa, trong khi trong tâm thì chẳng bao giờ làm điều tốt, chẳng thương người, sống
ích kỷ, chỉ biết cho mình, vun vén cho bản thân và gia đình mình, còn ai thì mặc kệ.
Nhóm người này đều không
thành công cả công việc lẫn
cuộc sống vì thánh thần và người phàm chẳng ai yêu thương cái thể loại thực dụng ấy. Có những đám cưới, mời 20 bàn mà chỉ có 5 bàn là có khách đi, 15 bàn còn lại vắng hoe ruồi bay qua bay lại. Thì ráng chịu chớ buồn bã làm gì? Sao không ăn ở như bát nước đầy đi, thì làm gì có chuyện cô dâu và chú rể ôm nhau khóc vì lỗ chỏng gọng sau đám cưới?
Ban đêm về, ngồi đếm tiền, rồi cãi lộn, chú rể mắng nói tại em mời khách mà khách không đi, cô dâu cũng nói tại anh. Đổ qua đổ lại..
Rồi động phòng không xong, biến thành động thủ. Quánh nhau rầm rầm, mặt mũi sưng húp....
Nhưng sáng phải dậy sớm, đôi uyên ương phải dậy thật sớm, ngồi ăn cho hết 15 phần thức ăn nhà hàng gói mang về.
15 cái lẩu. Má ơi.
Ăn muốn trào bản họng.