Khi nói về những dự định trong năm mới, tôi thường lên kế hoạch để có thể ngày càng sống có mục đích hơn. Tôi nói “ngày càng” bởi vì từng ngày tháng trôi qua, tôi đã cố gắng ý thức về những hành động và phản ứng của mình, xem thử đó là do thói quen, phản xạ tự nhiên hay theo mệnh lệnh của xã hội.
Khi nắm bắt được chúng, tôi có thể lựa chọn những phản ứng và hành động giúp cải thiện
cuộc sống của mình và thế giới xung quanh.
Vậy “sống có mục đích” nghĩa là gì? Nó có nghĩa là thức dậy vào mỗi buổi sáng và lựa chọn sống theo con đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng của bạn.
Tất nhiên, xác định mục tiêu cuối cùng có thể là một thách thức. Ở mức độ hời hợt bên ngoài, người ta có thể nói rằng họ muốn giàu có, kết hôn, hạnh phúc, nổi tiếng, hay đoạt giải Nobel, v..v.. Tuy nhiên, có rất nhiều người giàu có, nổi tiếng, ngay cả những người thành công, họ vẫn còn cảm thấy trống rỗng bên trong.
Hạnh phúc thật sự là sự thỏa mãn khi bạn sống với niềm đam mê, được ủng hộ, yêu thương, được đánh giá cao trên con đường đã chọn.
Sống có mục đích phải chăng cần một sự nghiêm khắc để tính toán từng giây phút, tận dụng mọi cơ hội tốt hơn cho mình? Không phải. Điểm chính yếu là cần sống chậm lại để thưởng thức hương hoa, nhận thức được bản thân và những người khác.
Một cái tên khác cho “sống có mục đích” là “sống chính niệm”. Đây là một kỹ năng mà chúng ta có thể thực hiện và tiến bộ theo thời gian.
Bạn thực sự muốn điều gì trong cuộc sống?
Sống có mục đích là kiểm soát những gì bạn thực sự mong muốn. Bạn muốn khỏe mạnh hơn để có năng lượng làm những điều mình yêu thích, trở thành một hình mẫu tốt cho những đứa trẻ… Hãy nhìn vào những thói quen bạn cần thay đổi và tạo không gian cho việc mà bạn muốn làm.
Khi bạn cảm thấy khó khăn, hãy trò chuyện với “bản ngã” cũ của bạn (cái chống lại sự thay đổi) và cổ vũ cho bản ngã mới.
Hãy rộng lượng với chính mình, đừng quá khắt khe với bản thân nếu không đạt được tiêu chuẩn lần đầu. Khi dưỡng thành thói quen, bạn có thể dễ dàng cải thiện những lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Điều này bao gồm cả việc ưu tiên kết nối với bạn bè và gia đình, cân nhắc kỹ về việc chi tiêu tiền bạc (chọn chi tiêu vào những thứ hay dịch vụ có thể cải thiện cuộc sống của bạn trong lâu dài, chứ không phải là những thú vui phù du), và sử dụng
thời gian một cách hữu ích.
Để giúp bạn sống cuộc sống mình mong muốn, cách tốt nhất là giảm tiếp xúc với những cám dỗ, chẳng hạn như ăn quá nhiều thức ăn có đường, xem TV liên tục, hay mua sắm những thứ mà bạn không thực sự cần.
Một cách khác là hãy để sự khuyến khích, cổ vũ vây quanh bạn. Điều này bao gồm việc dành nhiều thời gian với những người cổ vũ và tôn trọng, ít thời gian hơn với những người có thể làm suy yếu những nỗ lực.
Bạn có thể tạm thời “từ bỏ” chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu dùng và chuẩn mực xã hội. Điều này có thể làm được bằng cách dành thời gian để cầu nguyện hay thiền định, đi bộ giữa thiên nhiên, đi bộ đường dài hay cắm trại, làm vườn, câu cá, viết nhật ký hay làm nghệ thuật…
Một hệ thống thần kinh khỏe mạnh
Là người chữa bệnh bằng phương pháp nắn xương, tôi thấy rằng các chấn thương về thể chất, tinh thần và tình cảm lặp đi lặp lại có thể gắn chặt vào cơ thể và tâm trí con người. Chúng có thể áp đảo hệ thống thần kinh và “cháy” như một cầu chì để ngăn chặn tình trạng quá tải điện. Kết quả là có rất ít dây thần kinh sẵn sàng hành động và phát triển các mô hình phản ứng.
Trong cuộc sống thực tế, tâm lý sợ hãi sẽ kéo bạn trở lại khi sắp ra quyết định, những lựa chọn cũng trở nên hạn chế hơn khi dính mắc vào mẫu hình “an toàn”.
Theo một câu chuyện ngụ ngôn, trong mỗi chúng ta đều có hai con sói. Một hèn nhát, lười biếng, giận dữ, hận thù, dối trá, độc ác và phá hoại. Con thứ hai dũng cảm, thiện lương, hữu ích, tốt bụng, trung thực,
chăm chỉ và yêu thương. Con sói nào sẽ mạnh hơn khi ở bên trong một con người? Đáp án chính là con sói mà bạn cho ăn.
Sống có mục đích là nói về việc lựa chọn con sói nào bạn muốn cho nó ăn, hay nói cách khác là con người nào mà bạn muốn trở thành.