Cuộc sống đầy khó khăn, thách thức khiến con người trở nên sợ hãi và ngại ngần. Trải qua nhiều vấp váp, chúng ta tự nhiên sẽ hình thành những tâm lý và hành vi mang màu sắc tiêu cực. Và quan trọng hơn, không phải ai cũng nhận ra những điều đáng tiếc mà họ vẫn đang làm hằng ngày.
1. Mang mặt nạ nhìn thế giới
Xã hội càng hiện đại, người ta càng phải trang bị cho mình nhiều chiếc mặt nạ để đối phó với cuộc sống. Chúng ta dành quá nhiều
thời gian để quan tâm đến thái độ và suy nghĩ của người khác, cố gắng trở thành người mà xã hội mong đợi để rồi vô tình quên đi mất bản thân mình là ai. Nếu cứ mãi đeo mặt nạ, sớm muộn cũng sẽ có một ngày chiếc mặt nạ rơi ra, khi đó bạn chỉ còn là một chiếc vỏ trống rỗng, hoang mang không biết “bộ mặt thật” của mình là đâu. Đừng cố làm vui lòng người khác bằng những chiếc mặt nạ, chỉ cần tấm
lòng chân thành là được.
2. Để người khác nhào nặn mơ ước của bạn
Rất nhiều người từ nhỏ đã bị “nhồi nhét” bao nhiêu là ước mơ, lý tưởng từ những người lớn xung quanh, nào là phải trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học… Lớn lên cũng thế, bạn bị bao quanh bởi rất nhiều bình phẩm, phán xét đến nỗi mất đi phương hướng của chính mình. Bạn mơ hồ không còn biết mình mơ ước gì, có khả năng gì và cuối cùng chỉ mãi lẩn quẩn không lối thoát. Hãy đi con đường mà bạn chọn, chỉ cần nó
lương thiện và bạn thật sự tâm huyết.
3. Ở bên cạnh những kẻ tiêu cực
Cằn nhằn, trách móc, nổi nóng, đố kị… là biểu hiện của những kẻ tiêu cực. Ở gần loại người này quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm thái của bạn. Bạn có thể chia sẻ, quan tâm họ như những người bạn, nhưng hãy nhớ bạn không có nghĩa vụ chịu đựng mãi tính khí tiêu cực của bất kỳ ai.
4. Tham lam, tùy tiện
Tính cách chỉ nghĩ đến bản thân mình, bất chấp cảm nhận của người khác sẽ khiến mọi người xa lánh bạn, tình cảm vốn có dễ rạn nứt và nếu nghiêm trọng, bạn sẽ trở nên cô độc vì chính thói tự tư tự lợi của mình.
5. Từ chối thay đổi và trưởng thành
Muốn biết quá khứ, hãy nhìn hiện trạng trước mắt. Muốn biết tương lai, hãy nhìn hành động trước mắt. Dám thay đổi bản thân cũng giống như một lần “quét virus” vậy, nó giúp bạn nhìn nhận lại khuyết điểm để sửa đổi, cải thiện và phát huy ưu điểm của mình. Khi chấp nhận thay đổi, bạn sẽ trưởng thành và cơ hội sẽ tự tìm đến.
6. Gặp khó mau nản, dễ bỏ cuộc
“Sau này đừng bảo tôi làm nữa, tôi làm không được”, “Việc này khó quá, ngoài khả năng của tôi”… là những kiểu nói của người sợ khó và dễ nản chí. Hãy nhớ, một lần vội bỏ cuộc chính là bạn đã phủ định hoàn toàn bản thân mình. Thói quen này dần dà sẽ khiến ý chí của bạn càng yếu đuối, không tìm được động lực và mãi mãi thất bại.
7. Căng thẳng quá mức vì những chuyện vặt
Người yêu không trả lời tin nhắn, bản thảo hình như có chữ sai, không mua được chiếc áo yêu thích… tất tần tật đều khiến bạn căng thẳng thì tinh thần của bạn sẽ cực kỳ mệt mỏi. Cuộc sống cần phải va chạm, phải khốn khó nhưng bạn cũng không nên lo lắng quá mức cần thiết. Chuyện gì cần nắm bắt phải nắm bắt, chuyện gì nên xem nhẹ hãy nhìn nó một cách nhẹ nhàng thôi.
8. Dễ thỏa mãn
"Biết đủ làm vui" là tốt nhưng nếu quá dễ thỏa mãn thì sẽ khiến bạn mất hết ý chí phấn đấu. Một nghiên cứu của Mỹ đã cho thấy, không dễ dàng hài lòng sẽ khiến bạn dễ
thành công hơn.
9. Trì trệ vô thời hạn
Con người thường viện nhiều lý do để kéo dài những chuyện mình không muốn làm hoặc đơn giản chỉ vì lười nên muốn “để mai tính”. Thực tế thời gian không nhiều như bạn tưởng và nó không thể quay trở lại. Trì trệ sẽ trở thành thói quen, khi đó bạn làm việc gì cũng trễ nãi, thiếu sức sống và thường không đạt hiệu quả tốt.
10. Yếu đuối và ỷ lại
Cuộc sống có lúc thuận lợi, lúc khó khăn, thậm chí là bế tắc. Nhưng nếu khi mệt mỏi mà bạn chỉ biết ngồi một chỗ than thở, chờ đợi ai đó đến và chìa tay ra nâng đỡ thì e là tình cảnh của bạn chỉ càng thảm hại thêm. Nhờ người chi bằng nhờ bản thân mình đầu tiên, nó giúp bạn rèn ý chí mạnh mẽ, lòng trách nhiệm và không dễ bị quật ngã.