Những tháng ngày sinh viên: Chuyện năm 1

05/06/2015   3.264  4.67/5 trong 3 lượt 
Những tháng ngày sinh viên: Chuyện năm 1
18 tuổi, Tony từ giã quê ngoại, một mình đón xe đò lên Sài Gòn học ĐH, bước vào một cuộc sống mới. Hành trang là cái ba lô và cái rương gỗ của chị Hai từng học ĐH Đà Lạt tặng lại.

Dượng Tony Kỹ năng

 

Xem tập 1: Chuyện năm 2

Tập 2: Chuyện năm 1

18 tuổi, Tony từ giã quê ngoại, một mình đón xe đò lên Sài Gòn học ĐH, bước vào một cuộc sống mới. Hành trang là cái ba lô và cái rương gỗ của chị Hai từng học ĐH Đà Lạt tặng lại. Đêm đó ngồi trên xe, không biết sao lại bị say xe dù trước đó không bị bao giờ. Xuống trạm dừng chân với 3 bịch ny lông lớn (vì lúc tiễn ham ăn cháo gà), xuống tới bến xe miền Đông thì lảo đảo, hoa mắt thấy trời tối thui chả biết gì, phải ngồi xuống 1 lúc thì mới đứng lên được.
 
Tony ghé nhà chị G, tức chị người quen hôm đi thi ĐH, xin ở mấy bữa, nhưng cuối cùng lại ở mấy tháng vì thấy vui quá, toàn sinh viên ở với nhau. Tuần đầu tiên khi Tony đến Sài Gòn là nghiên cứu thành phố, vì đây sẽ là cuộc sống của mình ít nhất trong 5 năm tới. Tony ra nhà sách mua cái bản đồ rồi bắt đầu đạp xe đi khám phá. Bữa đi Hóc Môn, bữa đi Thủ Đức, rồi Bình Chánh, Nhà Bè, các quận số, rồi các quận chữ...và thấy Sài Gòn không lớn như mình nghĩ. Tối về, Tony ngồi vẽ lại bản đồ thành phố theo các trục đường lớn, như 3/2, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, CMT8, XVNT...Chỉ sau 1 tuần là Tony không bị lạc nữa, đi cỡ nào cũng tìm ra được trục đường chính để về nhà. Cứ tan học là Tony đạp xe lang thang để biết đường, vẽ bổ sung các con đường nhỏ vào bản đồ của riêng mình trong 1 cuốn sổ tay, trang quận 1, trang quận 5, trang Nhà Bè…. Đúng 1 tháng thì hầu như đường nào cũng biết, cũng rành, bạn học khen quá trời nói ủa mày mới lên Sài Gòn mà rành hơn cả tụi tao ở đây từ nhỏ. 
 
Sau này sang thành phố khác sinh sống hay làm việc, Tony đều áp dụng cách vẽ lại các trục đường phố theo trí nhớ của mình, nên nhanh chóng hòa nhập. Tuy nhiên, tên đường thì nhớ, tên địa danh thì không, nên có lần lớp hẹn chủ nhật đi công viên Tao Đàn chơi, Tony nghĩ là ở đâu đó xa lắm, nên tối thứ 7 háo hức không ngủ được. Sáng hôm sau lên chỗ hẹn ở cổng trường rồi cùng nhau đi, tới nơi mới thấy ủa chỗ này hả, từ đó, Tony quyết định đọc lịch sử thành phố, các địa danh, các di tích, các tên gọi trước 75 và sau 75, đọc các giai thoại các câu chuyện về lăng ông Bà Chiểu, chợ Bến Thành, chùa Ngọc Hoàng, bưu điện Tp... trong thư viện. Kiến thức này giúp Tony kiếm được khá nhiều tiền, khi dẫn khách nước ngoài đi du lịch vào năm 3. 
 
Khi mới lên SG, Tony ngồi suy nghĩ, dù gì phải ưu tiên hàng đầu là no bụng, phải thông minh lên. Bèn tất tả đi tìm chỗ ăn uống rẻ nhất, cứ vô tiệm cơm là hỏi trước, một dĩa cơm ở đây bao nhiêu chị, cơm thêm bao nhiêu ạ, trà đá có miễn phí không, và ghi địa chỉ lại trong sổ tay. Bà bán cơm ở đường Phan Văn Hân giá 2000 đồng, quán cơm Mai Thị Lựu 3000 đồng nhưng ăn cơm không giới hạn, cơm chay từ thiện ở đường Nguyễn Văn Đậu, ở chùa Long Vân mấy giờ phát…là mình phải biết, để trường hợp xấu nhất, đói quá không còn đồng nào thì sẽ sang ăn. Có lần Tony ăn ở một quán trên đường Nơ Trang Long, rất ngon và rất mắc so với túi tiền Tony lúc đó nhưng rất đông khách, đặc biệt lúc trưa từ 11h30 đến 12h30. Chị chủ và 4 người phục vụ xoay sở rất vất vả, có khi tính sót tiền. Quan sát thấy quy luật này nên hôm sau, Tony lên ăn tiếp, ăn xong ngồi chờ đến gần 2h, khi quán thưa khách, mới thưa với chị chủ quán, nói cho em giúp chị vào lúc cao điểm nha, em không lấy lương, chị cho em bữa cơm là được, khách đông mà chị lu bu là mất tiền đó, chỉ tốn có dĩa cơm cho em chứ nhiêu đâu chị. Ngồi thuyết phục miết nên chắc chị ấy thấy tội, mới gật đầu, nói ừa cứ 11h30 em ra bưng cơm thu tiền giúp, bưng 1h thôi, sau đó thì muốn ăn gì thì ăn rồi đi học. Từ đó, Tony trưa nào cũng ăn toàn cơm gà, cơm sườn, tại chị ấy nói muốn ăn gì ăn mà, ngu gì ăn cá ngừ kho. 
 
Chi phí học bắt đầu tăng, nào là giáo trình, quỹ này quỹ kia, rồi các bạn rủ nhau cũng phải cà phê bò bía, hổng lẽ mình từ chối mãi. Nên kế hoạch đi làm thêm bắt đầu, ngây ngô năm nhất thì chỉ có dạy thêm là phù hợp. Tony chỉ dạy được 2 môn là toán và tiếng Anh, vì thi ĐH môn toán được 9.5 điểm, 2 môn Lý Hóa mỗi môn có 3 điểm nên chỉ có 15.5 điểm, may mà cộng thêm ưu tiên 0.5 nữa mới đủ điểm sàn, chứ không là ở quê đi gánh lúa rồi. Nhưng bù lại thì tiếng Anh rất là giỏi, 7 năm học phổ thông Tony chịu khó học hết từ mới trong sách giáo khoa và Streamlines. Tony dạy Toán cho con chủ nhà thì sẽ gạ bố mẹ học sinh học thêm tiếng Anh, nói cô chú phải học tiếng Anh để đi nước ngoài du lịch...chứ giờ không biết tiếng Anh thiệt thòi lắm. Kỹ năng thuyết phục của Tony từ từ xuất sắc dần lên, dù trước đó thì “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, đang ngồi dạy thấy phụ huynh đi xe Dream về, nghĩ là người có nhà ở Tp, có xe máy như vầy là một giai cấp khác, quý phái cao sang, nói chuyện với họ cứ run rẩy, mặt tái mét, giọng nói lạc đi vì sợ. Người ở quê ra thường vậy, mắc bệnh sợ. Mấy bữa đi dạy đầu tiên còn cầm theo cái chứng minh nhân dân đưa họ coi, rồi trước khi về còn mở cái cặp ra kêu người giúp việc hay ai đó nhìn giùm, nói em không có lấy cái gì của nhà mình đâu nha. Lúc đó sợ lỡ nhà họ mất cái gì, họ đổ thừa mình, tố cáo lên trường thì trường đuổi học chắc chết. 
 
Để nhận được chỗ dạy, sinh viên phải qua trung tâm gia sư, thường là của mấy anh lớp trên hoặc đã ra trường, tự mở trung tâm trong một cái hẻm nào đó, đi qua thì thấy lúc nào cũng lố nhố sinh viên, toàn năm nhất năm hai. Mình sẽ đọc trên bảng, chọn chỗ, đặt cọc 40% tiền lương tháng đầu. Lần đầu Tony nhận dạy chỗ 300,000 đồng/tháng ở Hóc Môn, phải gửi trước 120,000 đồng, vì nghĩ là mấy chỗ xa như vậy các bạn khác ngại đi, mình đi là chắc ăn. Nhưng đạp lên tới nơi rồi vô hỏi thì người ta nói không có nhu cầu nữa, cái quay về đòi lại tiền nhưng mấy ông trung tâm gia sư đó khôn lắm, không có trả lại mà giới thiệu chỗ khác, chỗ này lương 500,000 đồng/tháng thì phải đặt cọc 200,000 đồng, Tony phải bỏ thêm 80,000 nữa. Hy vọng tràn trề, đạp xe xuống tận Bình Chánh với ý nghĩ chao ôi cuối tháng mình cầm những 500,000 đồng trên tay. Nhưng đến nơi thì họ nói trung tâm khác gửi người qua rồi, nửa đêm qua trung tâm thấy đóng cửa. Sáng hôm sau mới 6h sáng đã tới chực, vô năn nỉ miết xin lại tiền mà mấy ổng không trả, rồi bữa sau dọn trung tâm gia sư đi đâu mất. Mất cả 200,000 đồng, ½ số tiền má gửi lúc đó nên Tony mấy đêm không ngủ được. Cứ ngồi vò đầu bứt tóc, nói sao mình ngu quá, lại hận cuộc đời sao lại có thể loại người suốt ngày lừa người khác thế nhỉ. Chiều tan học, ngồi ghế đá chỗ hồ Con Rùa nhìn mấy cái hoa dầu xoay tít trên đầu mà cám cảnh cuộc đời, một thằng nhóc nhà quê chỉ có 18 tuổi thì không biết tương lai sẽ ra sao giữa chốn đất chật người khôn này. Trong đầu Tony lúc đó chỉ nghĩ mong học xong cho sớm để về quê. Hôm sau lên lớp, Tony kể chuyện cho bạn A, một cô bạn nhà rất giàu có ba làm giám đốc một công ty lớn, bạn thấy tội nghiệp nên giới thiệu cho 2 mối dạy, một trên đường Hàm Nghi dạy cho 3 anh em bạn từ mẫu giáo đến lớp 5, một mối ở quận 10 dạy cho cả nhà từ toán cho con đến tiếng Anh cho bố mẹ. Nhưng chuyện xảy ra cũng là một trải nghiệm để Tony có street smart, phàm việc gì mà phải nộp tiền đặt cọc hay phải mua hàng mới được vô làm, thì phải cẩn thận. Công việc làm trước trả sau thì xui lắm là trường hợp họ không phát lương, mình chỉ mất công làm, còn vụ nộp trước thì tuyệt đối không là không. 
 
Tháng lương đầu tiên, lãnh 200,000 đồng của phụ huynh bỏ vô phong bì, Tony sợ thiếu nên trong lòng lo lắng, mới đạp đâu có mấy trăm mét là dừng xe lại, tấp vô lề mở bao thư ra kiểm đếm lại. Thấy đúng 200 ngàn mới cười toe một mình, rồi ghé vô tiệm phở quất 1 tô tái to, bổ sung chén hột gà, rồi uống sữa tươi. Đó là lần đầu tiên trong đời Tony nếm được vị sữa tươi của Vinamilk trong cái bịch nylong, giá chỉ có 2000 đồng, và cảm thấy sao lại có một thứ nước thơm ngon đến vậy... (còn tiếp)

Quảng cáo

Theo TnBS

Người đăng

Tony Tèo

Tony Tèo

Sống hết mình với đam mê cuồng cháy


Là thành viên từ ngày: 20/02/2014, đã có 0 bài viết
Website: https://antruacungtony.com

Tài trợ

BÌNH LUẬN

Bạn cần đăng nhập để bình luận.
No Avatar

Chưa có bình luận nào cho bài này, tại sao bạn không là người đầu tiên nhỉ?

Bài viết khác

Chuyện nhỏ
Kính thưa bố mẹ. Trước hết xin bố mẹ thứ lỗi cho con là đã vào đại học được ba tháng, tức hết một học kỳ, mới viết thư cho bố mẹ.

Đi làm rồi, xin đừng anh hùng bàn phím nữa
Theo dõi chi mọi hot facebooker khác, họ là thế giới ảo, thông tin là của nghề của họ, họ làm ra tiền từ thông tin. Họ đăng tin cá nhân người này người kia, là nghề của họ. Mình mà follow thì chỉ vì tò mò mà thôi, thoả mãn sự hiếu kỳ nhảm nhí tiểu nông. Thông tin đó ...

Óc quan sát
Óc quan sát là đẳng cấp chia đôi ranh giới của người quản lý và người sai vặt. Mình muốn cả đời được sai vặt thì không cần quan sát gì, còn muốn được sai người khác thì phải chịu khó quan sát, bắt đầu từ 1m trước mắt mình, bán kính xung quanh mình, rồi rộng ra, rộng ...

Dượng Tony

Có thể bạn cần

Cuộc đời là một sự lựa chọn

Cuộc đời là một sự lựa chọn

Bước vào tuổi mười tám, cũng là lúc các học sinh đứng trước một trong những sự lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời: lựa chọn một ngành học, một nghề nghiệp cho tương lai.

Liên kết logo

Bàn phím trong mơ