Những tháng ngày sinh viên: Chuyện năm 2

04/06/2015   3.436  4.08/5 trong 6 lượt 
Những tháng ngày sinh viên: Chuyện năm 2
Người càng giỏi toán thì mọi thứ của họ đều hanh thông, do cuộc đời là một bài toán lớn, trên đường đi ta sẽ bắt gặp vô vàn các bài toán nhỏ.

Dượng Tony Kỹ năng

Tập 1: Chuyện năm 2

Năm 2 ĐH, Tony mở mục tuyển dụng của báo Tuổi Trẻ ra coi, thử người ta yêu cầu cái gì để mình rèn luyện cho đúng, hòng ra trường xin được việc làm tốt. Các công ty lớn đều yêu cầu ứng viên có ít nhất “HAI NĂM KINH NGHIỆM” mới có lương cao. Sinh viên vừa ra trường mà 2 năm kinh nghiệm đòi đâu ra, hóa ra thị trường lao động cao cấp giá cao như thế này chỉ dành cho những người có kinh nghiệm thôi à. Tony nằm suy nghĩ một đêm, quyết định giải bài toán hóc búa này.
 
Người càng giỏi toán thì mọi thứ của họ đều hanh thông, do cuộc đời là một bài toán lớn, trên đường đi ta sẽ bắt gặp vô vàn các bài toán nhỏ. Nên trường kinh tế tuyển khối A là đúng, học kinh tế tài chính hay quản trị, tư duy toán học rất cần để xử lý công việc gọn gàng logic. Chỉ cần sinh viên đó chịu đọc sách, chịu viết lách, chịu ăn nói va chạm thì đều có thể thành đạt dễ dàng. 
 
Cuối cùng đáp án cũng đã tìm thấy. Tony dự định năm 4 sẽ phải xin vô một công ty chính thức nào đó để làm, để khi ra trường (Tony học ĐH 5 năm), thì mình cũng vừa tròn 2 năm kinh nghiệm, mấy nhà tuyển dụng hết bắt bẻ. Vấn đề là mình thuyết phục sao cho người ta nhận, vì còn vướng bận chuyện học hành, các doanh nghiệp cũng ớn. Ví dụ đang chuẩn bị đi gặp khách hàng thì trùng với lịch thi của nó, hay tâm lý còn non sẽ ảnh hưởng đến công việc người ta, thực tế là sinh viên vô làm phá hoại nhiều hơn đóng góp, do ngáo ngơ bất cẩn và đầu óc chưa trưởng thành. Muốn có óc già dặn để năm 4 nộp đơn là được, Tony quyết định tích lũy sự trải nghiệm bằng cách đi làm thêm các việc linh tinh ngay từ năm 2 (năm 1 chỉ đi dạy kèm, hoặc làm cơ bắp như giữ xe).
 
Hồi đó, thời khóa biểu của Tony là học 6 buổi/tuần, trong khi quỹ thời gian mình có tới 21 buổi (sáng, chiều, tối của 7 ngày/tuần), có tới 15 buổi trống. Mình sẽ phải lấp đầy thời gian này. Nói là làm, chiều đó Tony mới mò lên trung tâm giới thiệu việc làm ở nhà văn hóa thanh niên và ở chỗ gần cầu Thị Nghè. Coi miết mà toàn việc gì chẳng thấy hay, không giúp mình nâng cao trình độ ngoại ngữ, Tony quyết định ra khu phố Tây. Dọc theo đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, khu chợ Bến Thành, khu Đề Thám…có rất nhiều cửa hàng bán cho khách nước ngoài, họ treo bảng “tuyển bán hàng nam nữ” nhưng hàng ngày mình ít để ý vì CHỈ có đi bộ mới thấy. Tony đi 3 vòng hết mới chọn ra được 10 chỗ làm phù hợp. Hôm sau, Tony ghé tiệm chụp hình thẻ, nói anh chụp hình em chụp đi làm công ty của Mỹ, anh tư vấn cho em. Ổng bắt mặc áo vét cho nó chững chạc, dù mặc quần đùi ở dưới. Đơn xin việc tự viết tay bằng tiếng Anh, tham khảo sách trong thư viện để lấy mẫu đơn hay nhất. Lúc Tony đi nộp, tình cờ trên đường Đồng Khởi có một công ty xuất nhập khẩu lớn, Tony nhìn vào thấy mấy anh mấy chị đi đi chạy chạy, điện thoại nói tiếng Anh ào ào, rồi ra đứng máy fax nhận hợp đồng báo giá... Ở ngoài cửa kính, Tony thập thò dòm vô miết vì thèm làm việc ở đó, nói phải vô công ty này mới được. Tony mới lùi ra xa xa, ghi lại địa chỉ điện thoại trên bảng hiệu. Hôm sau hết sức can đảm, Tony ra bưu điện Bình Thạnh, đưa cho cô giao dịch viên để cô bấm số cho, rồi Tony chạy vào cái buồng màu đen nghe. Tony hỏi liền “chào chị, có tuyển người hem chị”, bị chửi cho 1 trận, nói em là sinh viên thì phải biết thưa biết dạ, ở đây không có tuyển sinh viên. Cái Tony sợ hãi, cúp máy liền, bước ra trả tiền mà mặt mũi xanh ngắt như tàu lá. 
 
Hôm sau cửa hàng tơ lụa nó gọi, nó mời lên phỏng vấn rồi đi làm. Khổ là cái cửa hàng ấy đối diện công ty xuất nhập khẩu kia, nên Tony cứ mon men đi ngang qua coi, rồi ngồi bán khăn bán vải cho khách chứ mắt nhìn qua bên kia miết, tưởng tượng đến những buổi đấu trí đàm phán hợp đồng, rồi cái LC (thư tín dụng), rồi những container hàng lên tàu, rồi nhìn đô la chạy về tài khoản sao sướng thế. Thấy việc lấy mấy đồng bạc lẻ của việc bán tơ lụa, nhiều khách keo kiệt ky bo trả giá từng xu, rồi mình năn nỉ hết nước họ vẫn bỏ đi, cũng nản nản. Nhưng bù lại, tiếng Anh của Tony trở nên Tây hóa, mất dần âm Việt, nghe được nhưng câu dài của Tây nói. Tiền bạc cũng có được rủng rỉnh, chiều nào cũng đứng trước cửa hàng mời gọi khách vô coi với cái miệng cười rộng tới mang tai. 
 
Cái một hôm, buổi trưa đi học từ trường kết thúc lúc 11h, Tony qua cửa hàng để chuẩn bị làm ca chiều thì thấy ông giám đốc công ty XNK phía đối diện đi ăn trưa, Tony bèn bí mật bám theo. Thấy ổng vô quán cà phê, gọi cơm văn phòng, rồi đọc báo. Tony mới nảy ra ý định ngày mai nộp hồ sơ cho ổng. Tối về, Tony mần một bộ hồ sơ đẹp mắt không ăn tiền, trưa hôm sau, phục kích ngay trong quán đó. Ông giám đốc như thường lệ đẩy cửa bước vô, gọi ăn uống xong, Tony mới qua tươi cười kéo ghế xin phép được tiếp thị SỨC LAO ĐỘNG, nói dạ thưa con vầy vầy, hạc trường vầy vầy, khả năng vầy vầy, mong muốn vầy vầy. Ổng nhìn mình như người ở cung trăng xuống, nói công ty tui đâu có tuyển người mới. Cái mình nói thôi chú cầm giùm hồ sơ của con về, khi nào có chị nào trong công ty chú chửa đẻ gì đó, nghỉ sanh vài tháng con vô làm thế cho, xong họ vô lại thì con đi học lại, chứ tuyển mới chi chú. Ổng nghĩ nghĩ cũng xiêu xiêu, mới cầm hồ sơ về. Trước khi đi mình còn tặng ông thỏi sô-cô la nhỏ, nói con được khách mua vải lụa tặng đó, con tặng lại chú. Ổng hỏi mày định hối lộ à, mình nói dạ, con đâu có gì lấy lòng chú đâu, chú ăn giùm con chứ con ăn sô-cô-la hay nổi mụn. Ổng cười ha hả, nói sinh viên trường nào mà dễ thương quá mậy?
 
Cuộc đời cứ thế tiếp tục. Cứ bữa nào đi học thì thôi, bữa nào không đi học thì lên cửa hàng bán lụa, rồi đạp xe qua thư viện quốc gia ở Lý Tự Trọng đọc sách, học bài, đọc sách về xuất nhập khẩu càng nhiều càng tốt. Trong lòng luôn nung nấu là mình sẽ làm xuất khẩu, kiếm đô la, đi nước ngoài đàm phán bán hàng hóa Việt Nam với giá cao, nên văn hóa Tây Tàu gì cũng phải rành, trên thông thiên văn dưới tường địa chất. Một ngày cứ quần quật với bao nhiêu là việc, mở mắt sáng dậy thể dục 15 phút rồi đạp xe rần rật trên phố đến tối mịt mới về ngủ, trong ba lô có 2 bộ đồ để thay, vô cửa hàng thì mặc đẹp chút, còn đi thư viện hay đi học thì quần jean áo thun cho đúng chất sinh viên. 
 
Bẵng đâu 3 tháng sau, Tony mới nhận được thư mời của công ty lên phỏng vấn. Sau bữa tặng sô-cô la, Tony cũng không dám vô quán cà phê đó để gặp chú nữa, sợ ngại, và cũng vì tiền đâu vô đó ăn trưa miết. Cái bữa lên gặp chú, đúng như mình tiên đoán, có một chị mang bầu tháng thứ 4, nhưng muốn dưỡng thai nên muốn nghỉ sớm không lương. Cơ hội làm XNK tới, tối đó đi về nhà mà lòng Tony reo vui, vừa đạp xe vừa hát vang khắp phố, mấy ông đạp xích lô quay lại nói ê mới yêu hả mậy? (còn tiếp)

Quảng cáo

Theo TnBS

Người đăng

Tony Tèo

Tony Tèo

Sống hết mình với đam mê cuồng cháy


Là thành viên từ ngày: 20/02/2014, đã có 0 bài viết
Website: https://antruacungtony.com

Tài trợ

BÌNH LUẬN

Bạn cần đăng nhập để bình luận.
No Avatar

Chưa có bình luận nào cho bài này, tại sao bạn không là người đầu tiên nhỉ?

Bài viết khác

Chuyện ở Thâm Quyến
Điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng 24h. Ngoài ca từ 8h-6h ban ngày để buôn bán với các nước đông bán cầu, có ca đêm từ 8h tối đến 6h sáng để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, các nước Mỹ La tinh…

Dượng Tony

Chuyện Hoa chuyện Liễu (tt)
Chị Mai thấy đón đầu tương lai bằng cách trở về huyện cũ, dân số trên 100,000 dân là điều kiện lý tưởng cho thương mại. Chị dùng kinh nghiệm của mình để mở các cửa hàng, vốn không còn làm ăn được ở phố nữa, nhưng ở quê chị, nó vẫn là rất mới.

Em ơi đừng Suỹ nữa
Hôm qua Tony đi ăn tiệc có gặp 1 anh kia, giám đốc 1 cty hẳn hoi, người Nghệ An nhưng vào Lâm Hà, Lâm Đồng sống từ cấp 1, sau đó ra Hà Nội hạc ĐH nông nghiệp.

Dượng Tony

Có thể bạn cần

Học tiếng Anh bằng thơ - Phần 2

Học tiếng Anh bằng thơ - Phần 2

Sau phần 1 chúng ta đã học được khá nhiều từ mới, hôm nay mình tiếp tục sưu tầm thêm một số từ mới khác cho các bạn, chúc các bạn có những giây phút thỏa mái bên những vần thơ vui này.

Liên kết logo

Bàn phím trong mơ