1. Diane Coyle (Đại học Manchester)
Những công ty tuyên bố "nhân lực là tài sản giá trị nhất" thì lại thường có chế độ đãi ngộ rất tệ: yêu cầu làm việc 60 tiếng mỗi tuần, công tác thường xuyên, email phải được xử lý ngay lập tức. Thế nhưng, tuyên bố trên lại rất đúng về nghĩa đen. Nhân sự chuyên nghiệp với trình độ cao và nhiều năm kinh nghiệm thường rất “đắt”. Bởi vậy công ty luôn tìm cách tận dụng họ triệt để cho bõ số lương bỏ ra.
Điều này lý giải văn hóa làm việc nhiều giờ của giới văn phòng. Về phía người lao động, ngày càng nhiều người để công việc trở thành
cuộc sống của mình. Họ hài lòng khi được làm việc bên những người đồng nghiệp nhiệt huyết trong điều kiện dễ chịu và lương thưởng xứng đáng.
Ranh giới mong manh giữa công việc và giải trí không chỉ xuất hiện ở những ngành lương cao. Những người coi việc trồng cây là thú vui giờ đây có thể trở thành nhà làm vườn chuyên nghiệp, khi mà xã hội phát triển làm nảy sinh nhu cầu cho những dịch vụ như vậy.
Thế nhưng, đối tượng mà chúng ta cần chú ý không phải là những chuyên gia kể trên, mà là người làm những công việc lương thấp hay tình nguyện để đóng góp cho xã hội bằng việc chăm sóc người già, trẻ em và người khuyết tật. Đây là những công việc khó khăn và cần được khen thưởng xứng đáng. Họ mới chính là tài sản giá trị nhất của xã hội.
2. Daniel S. Hamermesh (Đại học Royal Holloway, Viện Nghiên cứu Lao động và Đại học Texas ở Austin)
Thực tế là chỉ 32% người lao động ở những nước vốn được cho là "nghiện việc" như Mỹ và Anh làm việc 45 giờ mỗi tuần. Con số này ở châu Âu thậm chí còn thấp hơn nhiều. Những người này thường là nam giới, có trình độ cao và đang trong thời kỳ "đỉnh cao" của sự nghiệp.
Vậy chúng ta có nên bị ảnh hưởng bởi một nhóm nhỏ "chăm chỉ" này không? Câu trả lời là không. Trong xã hội dân chủ, ai cũng có quyền lựa chọn được làm việc nhiều hoặc ít, hoặc thậm chí là không làm gì. Đó là cách sử dụng
thời gian của từng cá nhân.
Nhưng thực tế lại không như vậy. Chẳng hạn như một luật sư giỏi kiếm tiền, nghiện công việc chắc chắn sẽ yêu cầu trợ lý của mình cũng phải làm việc nhiều. Dù người trợ lý muốn làm việc ít hơn và bằng lòng nhận lương thấp hơn, anh ta lại không muốn mạo hiểm từ bỏ công việc. Trong trường hợp này, vị luật sự “tham công tiếc việc” đã vô tình tác động tiêu cực tới trợ lý của mình.
3. Tyler Cowen (Đại học George Mason)
Thế nào thì được gọi là công việc? Tôi là tác giả kinh tế và cũng là một độc giả. Muốn có cái để viết thì tôi cần phải đọc. Với tôi làm việc nhiều hơn tức là đọc nhiều hơn. Tuy nhiên làm việc ít hơn lại cũng đồng nghĩa với đọc nhiều hơn, nhưng là đọc những thứ khác.
Nếu làm việc ít hơn, tôi sẽ đọc nhiều tiểu thuyết hơn. Liệu đó có phải là một thói quen xấu không? Tiểu thuyết nuôi dưỡng tâm hồn tôi, nhưng tôi cũng thích sách khoa học, thậm chí là còn hơn. Lý do là chúng cho tôi thêm ý tưởng để đưa vào những tác phẩm khoa học của mình. Chúng giúp tôi kiếm tiền. Không những thế, tiểu thuyết là phi thực tế, và tôi sẽ không tiêu tiền vào những thứ khiến tôi rời xa thực tế.