Câu chuyện về nền kinh tế Hàn Quốc

16/11/2016   4.072  3.25/5 trong 2 lượt 
Câu chuyện về nền kinh tế Hàn Quốc
Nhiều người Mỹ nói với Tony là họ không dám mua xe của Hàn Quốc sản xuất cho đến khi xem xong bộ phim “Những tay đua kiệt xuất” trên truyền hình. Câu chuyện thành công của họ luôn là một bài tập tình huống (case study) được dạy ở các trường kinh doanh lớn như Harvard Business School cho sinh viên thảo luận. Mời các bạn cùng tham khảo.

 Thập niên 1960, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định tham khảo các bộ sách giáo khoa của các nước tiên tiến (đặc biệt là của Nhật), đem về dịch ra và giảng dạy, ngoại trừ các môn người Hàn phải soạn như địa lý Hàn Quốc, lịch sử Hàn Quốc và văn học Hàn Quốc. Vì họ biết rằng, người Nhật đã đầu tư cho giáo dục ra sao để mãi là dân tộc châu Á duy nhất trong khối G7. Và các kiến thức khoa học tự nhiên như toán lý hóa sinh đều là tiến bộ và phát minh của người phương Tây, kiến thức phổ thông này thì nước nào cũng giống nước nào, không cần phải biên soạn lại. Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên 3 yếu tố là lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.
 
Đúng 20 năm, năm 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích sông Hàn. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hóa chất, đóng tàu, điện tử, thực phẩm...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số Hàn chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn", từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Sản xuất và sản xuất. Tài năng là phải đầu tư vào sản xuất. Họ mua hầu hết mọi sản phẩm nước ngoài về lục tung lên, mày mò sản xuất y chang như vậy. Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động phổ thông và phải xây dựng các nhà máy ở nước ngoài, những nơi luôn thừa lao động tay chân. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc. Người Hàn ra nước ngoài là làm ông chủ, làm quản lý, phỏng vấn và trả lương cho người khác, thay vì đi xin việc, chờ phỏng vấn và được trả lương như các thế hệ trước.
 
Năm 1988, khi pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, khi tiếng quốc ca trỗi dậy, người Hàn Quốc đang chạy xe trên đường bỗng dưng dừng xe, bước xuống, cúi đầu. Những bàn tay chai sạn đan vào nhau và họ cười trong nước mắt. Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Kông và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Thuở đó, phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2.000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Hollywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ ...4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc vàng, Anh em nhà bác sĩ... với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hallyu nổi tiếng. Người Nhật quay ngược lại hâm mộ tài tử Hàn Quốc một cách điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo. Các nước Đông Nam Á thì chỉ biết "ụ pa ơi, ụ pa hỡi". Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.
 
Năm 1988, ngần ấy người được khuyến khích đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu" tròn tròn xinh xinh" của dân châu Á, Tây không thích, không bán được. Liên tiếp nhiều năm, xe của Hyundai, KIA là những nhãn hiệu bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhất là sau bộ phim “Những tay đua kiệt xuất”. Những sinh viên giỏi toán nhất được khuyến khích xin học bổng theo học ngành tài chính ở các đại học lớn trên thế giới, với tham vọng biến Seoul thành trung tâm tài chính như London, New York. Du học sinh Hàn cực kỳ kỷ luật, họ học ngày học đêm và kéo rầm rập về nước khởi nghiệp, không ai xin thẻ xanh thẻ đỏ hay hôn nhân giả để ở lại. Công dân nam, kể cả diễn viên ca sĩ, đều đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc 2 năm.
 
Mọi người góp tiền vào nhau và các quỹ đầu tư ra đời, tự đi tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không ai chỉ trích, đổ lỗi cho ai, mỗi cá nhân chỉ góp sức góp trí để xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh hơn, với tinh thần "giúp cho một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn thêm giàu có". Hệ thống bán lẻ Lotte Kmart... phải có nghĩa vụ mang hàng hóa Hàn đi khắp nơi. Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.
 
Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại như bây giờ.Mỗi cá nhân chịu thiệt thòi một chút thì đã sao. Muốn trở thành một dân tộc lớn thì mỗi cá nhân phải nghĩ lớn. Tài năng thì làm chủ, ít tài hơn thì ủng hộ người chủ đó bằng cách tiêu thụ sản phẩm của họ sản xuất ra. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này? Người Trung Quốc cũng mang tinh thần sản xuất ấy, đúng 20 năm sau, năm 2008, Olympic Bắc Kinh ra đời. Cốt lõi của một nền kinh tế mạnh là nhân tài khởi nghiệp, tạo lập cơ sở sản xuất, người dân ủng hộ hàng sản xuất trong nước để có thị trường, sau đó là xuất khẩu.
 
Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở Việt Nam ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm nhờ mình mua giùm. Ở cửa hang ở Seoul, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay, leo lên kệ lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho tôi xem mấy tiếng đồng hồ, đều là mỹ phẩm của Hàn cả. Do tiếng Anh không tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng và bật khóc. Giọt nước mắt nóng bỏng của lòng tự hào dân tộc khiến Tony sững sờ, dù cô chỉ là một người bán hàng bình thường trong muôn ngàn người bán hàng ở xứ sở kim chi này. Vì quá kính phục, Tony bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn sản xuất, dù chẳng biết có tốt không. Lúc bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại, Tony vẫn thấy cô gập đầu cung kính.
 
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, trên lưng của mỗi công dân luôn là Tổ quốc.

Quảng cáo

Theo TNBS

Người đăng

Tony Tèo

Tony Tèo

Sống hết mình với đam mê cuồng cháy


Là thành viên từ ngày: 20/02/2014, đã có 0 bài viết
Website: https://antruacungtony.com

Tài trợ

BÌNH LUẬN

Bạn cần đăng nhập để bình luận.
No Avatar

Chưa có bình luận nào cho bài này, tại sao bạn không là người đầu tiên nhỉ?

Bài viết khác

25 sự thật khiến chúng ta phải tin cuộc sống khá phũ phàng
Bất kì ai cũng mong muốn tìm ra được sự thật nhưng không phải ai cũng can đảm để nhìn thẳng vào sự thật ấy, bởi đã là "sự thật" thì thường hay "mất lòng".

My Vision - 5 bài học lãnh đạo bằng tư duy xuất sắc
Chỉ trong vòng 20 năm, với dân số khoảng 2 triệu người trên diện tích 4.000km2, Dubai đã trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản, các công trình đồ sộ bậc nhất thế giới.

[Video] Tự học tiếng Hàn Quốc bài 7: Hôm nay tôi đi leo núi
Trong bài hôm nay chúng ta cùng Hoàng học cách sử dụng tiếng Hàn khi gọi điện thoại và đi leo núi nhé!

Vui học

Có thể bạn cần

Thời gian, tiền bạc - đâu mới là hạnh phúc thực sự của con người?

Thời gian, tiền bạc - đâu mới là hạnh phúc thực sự của con người?

Tiền bạc cuối cùng cũng chỉ là để đánh đổi lấy thời gian, hãy tỉnh táo để nhận ra đâu mới là thứ quan trọng nhất.

Liên kết logo

Bàn phím trong mơ