Tony lâu rồi không gặp gỡ ai vì lý do sức khỏe (mới đi mổ lưng bên Mỹ về nên dáng đi hem có được đẹp, mất máu cũng nhiều nên da mặt cũng hết hồng hào, may cấu trúc gương mặt tỷ lệ vàng 1.618 nên vẫn vô cùng thanh tú). Tuy nhiên, khi nhận được i-meo của cái Hồng Trần, Tony bèn xuống núi đi ăn với bạn. Cái Hồng là 1 con dượng đặc biệt. Khi xét duyệt vào lớp đào tạo
khởi nghiệp khóa 1, Tony mới biết là bạn cũng là thành viên nhóm Điện Biên Đông cho chương trình Áo Ấm Mùa Đông năm 2014. Lúc Tony ra Hà Nội đào tạo, bạn không dám gặp vì muốn giữ hình ảnh tưởng tượng đẹp trong lòng mình. Bạn nghe 1 số bạn trong nhóm gặp về nói “Nhan sắc ổng cũng thường à, hẻm có lung linh như ổng tự ca ngợi. Nhưng ăn nói dễ thương lắm, ánh mắt nhơn hậu như Lương Triều Vỹ ấy. Nụ cười rất cuốn hút, gặp về nhớ miết khôn nguôi”.
Đã rất lâu Tony mới thấy được 1 bạn trẻ sở hữu những tố chất doanh nhân tốt như cái Hồng. Nói chuyện với bạn, Tony ngỡ cô Liên của Vinamilk, hay cô Nga của Dược Hậu Giang thuở hai mấy tuổi. Và Tony tin chắc rằng, 20 năm sau, cái Hồng này sẽ ghi danh vào những nữ doanh nhân xuất sắc của Việt Nam. Đặc trưng của tố chất doanh nhân có thể gắn liền với 1 chữ DÁM. Dám ở đây là “dám” có tính toán, có trí, có tâm, có tầm, có khả năng biến không thành có, biến nhỏ thành to, biến lèo tèo thành huy hoàng… Cái Hồng có tất cả những yếu tố đó, chỉ thiếu nhân tài cùng nhau phát triển, vì cô chưa đủ tiền và quan hệ để thu hút “nhơn tài”. Nên nếu các bạn ở miền bắc cảm thấy mình có năng lực, có đạo đức và có kỷ luật, đang tìm 1 người để đầu quân về, thì có thể gõ cửa với cô. Cùng nhau tiến xa, thật xa. Cổ phần cùng nhau mà chia lãi, cùng làm chủ, cùng tung hoành ngang dọc cho thỏa cuộc đời.
Mời các bạn cùng nhau đọc 1 lá thư cái Hồng vừa gửi Tony sau đây. Lá thư như được viết bằng máu của 1 nữ chiến binh dũng cảm vậy.
“ Thưa dượng
Con sinh ra trong một gia đình có năm chị em gái ở Thanh Oai, Hà Tây. Vì khó khăn, ba chị gái của con đã phải bỏ học từ khi 12-13 tuổi để nhường cho con và em gái út. Xong cấp 3, con chọn nghề kế toán, rùi con đi làm, kết hôn, sinh con…bình thường như bao cô gái cùng thế hệ khác. Cho đến 1 ngày nọ, con đọc được trang TnBS do đứa bạn nó share về. Những dòng chữ giản dị của Dượng đã đánh thức cảm hứng trong con, đến nỗi nhiều lúc con bật khóc vì tiếc nuối những ngày sống nhạt nhẽo đã qua. Nhiệt huyết trong con dâng trào, con quyết định sống khác, tự mình thay đổi bàn xoay số phận.
Khi quyết định bỏ việc lương mấy triệu để khởi nghiệp, con vấp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình. Mọi người đã quá quen với thuật ngữ “ổn định”, nên chuyện khởi nghiệp làm ăn là chuyện của ai đó. Nhưng con thấy, khái niệm “ổn định”, “chắc ăn”…sẽ khiến tuổi trẻ bị trì trệ, lạc hậu, nhạt nhòa. Con không nghe theo, kiên quyết bỏ qua lời khuyên của mọi người. Đơn độc như con thuyền đi ngược chiều gió, con bỏ hết tiền tiết kiệm xưa nay thuê hơn 1ha đất ở Đông Triều, Quảng Ninh để trồng cây chùm ngây.
Hàng ngày, con vục mặt vào đất, phơi mình giữa những ngày nắng chang chang, thức dậy từ khi gà vừa gáy, về nhà khi gà đã lên chuồng, cả người lúc nào cũng đau ê ẩm. Khi có rau thu hoạch, con chạy đủ nơi để liên hệ tìm nơi tiêu thụ. Hầu như cửa hàng rau sạch, siêu thị mini nào ở Hà Nội và các thành phố lân cận, con cũng đến gõ cửa, cúi gập người dạ thưa, tươi cười gửi hàng vô. Những đơn hàng nhiều dần lên khiến lòng con mừng vui nhưng sau vài tháng, con nhận ra nhiều điều bất ổn. Đó là tài chính kẹt cứng liên miên, túng thiếu nợ nần. Con ngồi lục lại sổ sách giấy tờ, coi từng khâu một, và nhận ra là mình quản trị chi phí quá kém. Hầu như công ty không có lợi nhuận bởi chi phí quá lớn trong việc đóng gói, vận chuyển, hao hụt...
Lại triền miên những đêm mất ngủ. Bán lá thô, bán rau như vầy sẽ không thể tồn tại được. Con quyết định mở thêm sản phẩm mới là “bột chùm ngây” để người ta có thể pha vô cháo cho trẻ con người già ăn. Con ngồi đọc hàng tá tài liệu làm cách nào để giữ vững dưỡng chất cho thực phẩm. Để sấy khô, mình có thể dùng nhiệt hoặc dùng hơi lạnh (như đồ trong tủ lạnh để lâu sẽ bị khô), chỉ có sấy lạnh là dưỡng chất còn nguyên vẹn. Lên mạng xem cái máy sấy lạnh nước ngoài, nó báo giá mấy chục ngàn đô, con bèn lần mò đến trường đại học Bách Khoa Hà Nội, và các bạn kỹ sư ở đây đã giúp con lắp đặt hệ thống máy sấy lạnh Made in Vietnam với giá cả phải chăng. Tiền mua máy cũng là tiền vay tiền mượn nên đầu óc con căng thẳng như ngồi trên đống lửa. Mẻ bột chùm ngây đầu tiên, nhìn màu sắc và nếm vị đậm đà của bột, con vô cùng thích thú. Khi mang đi xét nghiệm ở Viện công nghiệp thực phẩm – 301 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, bạn kiểm nghiệm viên còn hỏi chị trộn bao nhiêu loại hoa quả hay sữa công thức trong này mà em thấy nhiều dinh dưỡng thế, con bật khóc vì quá xúc động. Chỉ vài ba chiếc lá diệu kỳ mà chất đạm, vitamin thiết yếu, beta – caroten, các loại axit amin…đều lý tưởng đến hoàn hảo. Ví dụ can xi cao gấp 4 lần sữa, vitamin A cao hơn cà rốt 4 lần và vitamin C gấp 7 lần quả cam cho cùng một khối lượng. Cầm bảng kết quả trên tay, con mới hiểu vì sao người Ấn Độ gọi nó là cây độ sinh (the tree of life) còn UNICEF (quỹ nhi đồng liên hợp quốc) thì gọi là cây diệu kỳ (miracle tree), tổ chức nhân rộng cây này. Các tổ chức từ thiện nước ngoài cũng đặt hàng sản xuất các loại bột này để gửi đến các trường vùng sâu vùng xa, cho các bạn học sinh mầm non trở lên bổ sung vào thức ăn.
Sau khi ra đời bột chùm ngây, con lại tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm cho người lớn. Trà túi lọc, viên nang chùm ngây, xà phòng tắm, son môi…ra đời dưới sự giúp đỡ của bạn bè thầy cô bên viện Y Học Cổ Truyền. Con làm ngày làm đêm nên sản phẩm mới ra đời rất nhanh, chỉ trong 1 tháng là ra được sản phẩm mới. Mọi thủ tục giấy tờ vệ sinh ATTP , đăng ký với bộ Y tế theo tiêu chuẩn dược phẩm, mỹ phẩm, bao bì nhãn mác cũng đã quốc tế để sẵn sàng đến với mọi thị trường. Con đang tiến hành đăng ký với các tổ chức quốc tế các giấy chứng nhận để có thể xuất khẩu.
Để có thể một loạt sản phẩm trên bàn như thế này, con đã sụt cả 5 cân, nhiều đêm mất ngủ và nước mắt không biết có còn nữa không để có thể chảy. Nhiều lúc con muốn buông xuôi, đi làm công ăn lương lại. Nhưng các cuộc điện thoại của nông dân trồng chùm ngây khiến con từ bỏ ý định đó. Họ nói bọn tôi chỉ biết lao động chân tay, các cô biết chữ biết nghĩa, có học đại học (đại là lớn, đại học là học cao hiểu rộng, những người học ĐH là tinh hoa của xã hội), thì các anh các cô hãy nghĩ ra cách giúp chúng tôi kiếm được tiền. Nông dân bọn tôi khổ lắm.
Rồi một ngày không xa, cây chùm ngây được nhận rộng, đặc biệt ở những vùng núi cao, hẻo lánh, trẻ em sẽ bớt thấp còi do thiếu canxi. Trẻ nhỏ, người già không còn phụ thuộc vào sữa bò công thức nhập ngoại. Người ăn chay cũng sẽ không phải lo thiếu chất.
"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân". Và con đã đi những bước chân đầu tiên vào con đường khởi nghiệp đầy sóng gió.
Xưa khi thấy nhà con có 5 cô con gái, ai cũng nói là “phận nữ nhi thường tình”, ý nói đàn bà con gái sẽ chẳng làm nên sự nghiệp gì kiểu quan niệm nho giáo lạc hậu. Đúng là phận nữ nhi, nhưng con sẽ không “thường tình”. Cũng như hàng vạn bạn gái trên đất nước này, bọn con đang dùng sức, dùng trí xây dựng những cơ nghiệp riêng của mình và cho người khác. Những nhà máy xí nghiệp thương hiệu mang tên bọn con sẽ lần lượt ra đời. Con sẽ cắm cờ Việt Nam ở các siêu thị nước ngoài.
Như dượng có nói, chỉ có 4 dân tộc thuộc văn hoá cầm đũa trên thế giới là Nhật, Hàn, Trung, Việt. Đã có 3 dân tộc làm được kỳ tích, hà cớ gì người Việt mình lại không?
Sáng dậy, con luôn đặt tay lên trái tim mình để bắt đầu một ngày làm việc mới.
Dượng thì ẩn danh, nhưng bọn con thì không vô danh.".