Nghịch lý: các quốc gia chăm chỉ nhất đều nghèo

25/08/2016   2.828  4.33/5 trong 3 lượt 
Nghịch lý: các quốc gia chăm chỉ nhất đều nghèo
Một điều bất ngờ là theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), không phải Mỹ, Nhật Bản, Đức hay bất kỳ cường quốc nào hiện nay đứng số 1 về số giờ làm việc bình quân mỗi năm và cả 10 nước trong top đầu đều có vấn đề trong nền kinh tế dù mọi người đều “chăm chỉ”.

Chúng ta có thể thấy thực tế này thông qua những con số dưới đây về số giờ làm việc hàng năm của những quốc "chăm chỉ" bậc nhất thế giới.

11. Ireland: 1.815 tiếng/năm

 
Những người Ireland nổi tiếng với sự trân trọng cuộc sống cũng như chất lượng sống. Tuy nhiên bảng xếp hạng của OECD cho thấy điều đáng ngạc nhiên khi nước này có số giờ làm việc bình quân cao hơn cả nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ.
 
Nền kinh tế của Ireland cũng không thực sự khả quan. Số liệu tăng trưởng 26% mới đây của Cục Thống kê nước này được đánh giá là chỉ mang tính “lý thuyết” khi mức tăng trưởng trước đó chưa đến 10%. Nguyên nhân là nước này thay đổi cách tính GDP để làm tăng số liệu.
 
Ireland đã từng nằm trong tâm bão nợ công tại Châu Âu và vẫn chưa hoàn toàn khôi phục. Mức nợ công của nước này vẫn đạt 103% GDP và tỷ lệ thất nghiệp chỉ giảm một cách chậm chạp.
 

10. Thổ Nhĩ Kỳ: 1.832 tiếng/năm

 
Làm việc chăm chỉ gần như trở thành bản năng của người Thổ Nhĩ Kỳ khi nền kinh tế nước này gặp khó do những biến động về chính trị cũng như tôn giáo. Thậm chí một đứa trẻ 13 tuổi tại Thổ Nhĩ Kỳ đã biết đi làm bán thời gian để phụ gia đình. Đến tuổi 15, hầu hết người dân ở đây đều đã bắt đầu làm 45 tiếng/tuần, tương đương 8 tiếng/ngày.
 
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn sau những biến động về địa chính trị. Đầu tiên là sự bùng nổ của Tổ chức Hồi giáo IS cũng như cuộc xung đột tại Syria khiến hàng nghìn người tị nạn đổ về đây. Tiếp đó là quan hệ với Nga bị ảnh hưởng sau vụ bắn rơi máy bay, qua đó tác động đến thương mại của 2 nước.
 
Mới đây, cuộc đảo chính bất thành ở nước này càng làm tình hình trở nên bất ổn hơn. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 8/2016 của nước này đạt 8,8%, cao hơn mức dự đoán trước đó. Trong tháng 7/2016, khoảng 45.000 nhân viên chính phủ đã bị đình chỉ công tác do ảnh hưởng từ cuộc đảo chính. Tăng trưởng quý I/2016 của cả nước chỉ đạt 4,8%.
 

9. Israel: 1.867 tiếng/năm

 
Người Israel làm việc bình quân tối thiểu 43 tiếng mỗi tuần. Thậm chí quốc gia này quy định sáng chủ nhật thuộc giờ làm việc chính thức trong tuần, nghĩa là chủ doanh nghiệp có thể hợp pháp yêu cầu người lao động làm vào sáng chủ nhật như mọi ngày bình thường.
 
Israel đã có một năm 2015 thành công với tốc độ tăng trưởng tốt nhờ sự hỗ trợ của ngành xuất khẩu. Tuy nhiên xu thế suy giảm tiêu dùng cũng như nhu cầu tại thị trường nước ngoài khiến tốc độ tăng trưởng của nước này bị chậm lại và đang có biểu hiện kém hơn so với những nền kinh tế phát triển khác.
 
Trong quý I/2016, nước này chỉ tăng trưởng 1,7% và hiện tỷ lệ lạm phát đã ở mức âm tháng thứ 23 liên tiếp. Ngân hàng trung ương Israel đã phải hạ lãi suất xuống 0,1% nhằm kích thích kinh tế và nhiều chuyên gia vẫn đang tranh cãi về khả năng hạ lãi suất xuống 0% của nước này.
 

8. Estonia: 1.868 tiếng/năm

 
Nếu so sánh với những nền kinh tế Châu Âu khác, tỷ lệ thất nghiệp tại Estonia cao hơn nhưng mức lương lại thấp hơn. Tuy nhiên, thay vì than vãn với chính phủ, người dân nước này chỉ làm việc chăm chỉ hơn.
 
Dẫu vậy, nền kinh tế Estonia cũng gặp vấn đề khi đối tác thương mại quan trọng là Nga đang gặp khó do cấm vận kinh tế. Hơn nữa, thị trường này khá nhỏ nên dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài. Hãng Moody’s dự đoán tăng trưởng GDP của nước này năm 2016 chỉ đạt 1,6%.
 

7. Hungary: 1.883 tiếng/năm

 
Năm 2002, Thủ tướng nước này đề xuất bản kế hoạch giảm giờ làm xuống 38 tiếng/tuần nhưng không được nghị viện thông qua. Đây là điều dễ hiểu khi tỷ lệ thất nghiệp cao tới 7,3% tại đây khiến người lao động có việc làm không thể lười nhác. Năm 2012, chỉ có khoảng 55% số người trong độ tuổi lao động tại nước này có việc làm và đóng thuế.
 
Bình quân người dân nước này làm ít nhất 41 tiếng/tuần. Việc có quá nhiều gánh nặng từ những người thất nghiệp khiến lao động tại đây ngày càng vất vả hơn.
 
Nền kinh tế Hungary chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý I/2016 và mục tiêu tăng trưởng 2,5% cho cả năm nay xem ra khó đạt được do mảng đầu tư trong nước giảm sút. Ngân hàng trung ương nước này đã phải hạ lãi suất xuống mức kỷ lục 0,9% và chính phủ dự định sẽ cắt giảm thuế trong năm tới với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế.
 

6. Ba Lan: 1.918 tiếng/năm

 
Tại Châu Âu, người lao động Ba Lan khá nổi tiếng với thái độ làm việc nghiêm túc tới hơn 50 tiếng/tuần. Điều này khiến các thị trường như Anh, Ireland hay Hà Lan luôn chào đón các lao động nhập cư từ Ba Lan.
 
Cũng tương tự như các nền kinh tế khác, Ba Lan đang phải đối mặt với nguy cơ giảm tốc kinh tế khi dự đoán tăng trưởng năm 2016 chỉ đạt 3,4%, thấp hớn mức dự đoán trước đó là 3,8%. Thâm hụt ngân sách nước này ước tính đạt 2,6% trong năm nay.
 

5. Nga: 1.980 tiếng/năm

 
Tại Nga, lao động thêm giờ hoặc làm thêm ra sản lượng luôn được mọi người ủng hộ từ thời kỳ Liên Xô. Dù tổ chức này đã tan ra nhưng tinh thần cổ vũ lao động vẫn được duy trì. Nga là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh bình quân trên mỗi lao động thuộc hàng cao nhất thế giới.
 
Trước tác động của lệnh cấm vận từ Phương Tây cũng như giá dầu suy giảm, nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái tháng thứ 18 liên tiếp. Thậm chí, Tổng thống Vladimir Putin đã phải tuyên bố cắt giảm lương của mình 10% nhằm thể hiện quyết tâm đối phó với khủng hoảng kinh tế.
 
Năm 2015, GDP của nước này suy giảm 3,5% và tiếp tục suy giảm 1,2%, 0,6% tương ứng trong quý I-II/2016. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 7/2016 của nước này vẫn ở mức 7%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Nga sẽ suy giảm 1,2% trong năm nay.
 

4. Chile: 2.015 tiếng/năm

 
Tại quốc gia này, sự bất bình đẳng trong xã hội được thể hiện vô cùng rõ nét. Trong khi giới nhà giàu hưởng thụ chất lượng cuộc sống của một nước phát triển thì những người dân lao động bình thường phải làm việc để sinh tồn.
 
Theo báo cáo của OECD, công bằng xã hội tại Chile thuộc hàng tệ nhất trong số các nước công nghiệp. Khoảng 1/5 số lao động tại quốc gia này phải làm hơn 50 tiếng/tuần để đủ thu nhập sinh sống.
 
Kinh tế Chile đang lâm vào tình trạng tăng trưởng chậm năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng GDP quý II/2016 của nước này chỉ đạt 1,5%, thấp hơn mức 2,2% của quý I. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ mức 6,5% năm 2015 lên 6,9% trong quý II. Sản lượng công nghiệp tính đến tháng 6/2016 cũng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm trong quý thứ 3 liên tiếp.
 

3. Hy Lạp: 2.037 tiếng/năm

 
Hy Lạp đang ngập trong khoản nợ công khổng lồ và nước này vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện đáng kể nào khi thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu. Hệ quả tất yếu là người dân nước này phải làm việc vất vả hơn để có thể kiếm thêm thu nhập. Theo số liệu của OECD, Hy Lạp là quốc gia có số thời gian làm việc mỗi năm dài nhất tại Châu Âu.
 
Kinh tế Hy Lạp rõ ràng đang gặp khó khăn khi vẫn chưa vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công. Bất chấp những chính sách thắt lưng buộc bụng giảm chi tiêu của chính phủ, IMF và liên minh Châu Âu (EU) vẫn không đánh giá cao khả năng hồi phục của nước này. Hiện tổng nợ công của nước này đạt 214% GDP.
 
Nghiên cứu mới nhất của Dianeosis cho thấy tỷ lệ người nghèo đói, cùng cực tại Hy Lạp đã tăng mạnh từ 2,2% năm 2009 lên 15% năm 2015, tương đương 1,6 triệu người hiện nay đang chịu cảnh đói khát.
 
Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp vẫn đang duy trì ở mức cao với 23,3% tính đến tháng 4/2016, mức cao nhất tại Châu Âu.
 

2. Hàn Quốc: 2.163 tiếng/năm

 
Hàn Quốc là một trong những quốc gia mà người dân có thu nhập khả dụng lớn nhất thế giới nhờ thái độ làm việc nghiêm túc. Thậm chí năm 2004, chính phủ đã ban hành quy định làm việc 40 tiếng/tuần trong 5 ngày nhưng bị các công ty và người lao động phớt lờ.
 
Tuy nhiên, việc người dân Hàn Quốc tốn quá nhiều thời gian cho công việc đang gây nên những hệ lụy khôn lường trong xã hội khi gia đình và con cái bị bỏ quên. Đây có thể là rủi ro cho những thế hệ tương lai của nước này.
 
Kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm lại khi nhiều sự đoán cho thấy tăng trưởng GDP năm nay của nước này chỉ đạt 2,6%, tương đương so với năm 2015. Tổ chức IMF cũng đã kêu gọi nước này tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trước nguy cơ giảm tốc.
 
Tình trạng suy giảm chi tiêu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, cùng với sự đi xuống của một số ngành công nghiệp chủ chốt như đóng tàu đang khiến kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Dự đoán tăng trưởng tiêu dùng cá nhân tại Hàn Quốc năm 2016 sẽ chỉ đạt 1,4%, thấp hơn mức 2,2% của năm trước. Xuất khẩu tháng 7/2016 của nước này giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước, tháng suy giảm thứ 19 liên tiếp bất chấp việc đồng Won giảm giá hỗ trợ cho xuất khẩu.
 

1. Mexico: 2.237 tiếng/năm

 
Người chiến thắng trong bảng xếp hạng những nước chăm chỉ nhất thế giới năm 2015 thuộc về Mexico. Tính bình quân mỗi tuần, người lao động Mexico làm việc nhiều hơn 449 tiếng so với người Mỹ nhưng mức thu nhập của họ lại chỉ bằng 4/5.
 
Khoảng 29% số người Mexico làm việc hơn 50 tiếng mỗi tuần.
 
Bất chấp việc là nước có lao động chăm chỉ nhất thế giới, kinh tế Mexico cũng gặp nhiều vấn đề. Hiện nhiều nước Châu Mỹ Latinh như Venezuela, Brazil đang đau đầu với tăng trưởng khi giá dầu giảm và Mexico cũng không ngoại lệ. Mảng dầu mỏ của nước này trong quý II/2016 đã suy giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế cũng suy giảm 0,2% trong quý II.
 
Sản lượng công nghiệp của nước này giảm 1,7% trong quý I/2016, sản lượng nông nghiệp giảm 0,1% còn mảng dịch vụ thì đi ngang. Do phụ thuộc lớn vào đối tác thương mại chính là Mỹ nên khi ngành công ngiệp Mỹ giảm tốc, kinh tế Mexico cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.
 
Thêm vào đó, những phát biểu mang tích thù địch của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump với lao động nhập cư Mexico và thương mại với nước này cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ. Mới đây, hãng Standard & Poor đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mexico từ ổn định (Stable) xuống tiêu cực (Negative)
 

Vì sao làm việc chăm chỉ vẫn không giàu?

 

Thực tế thì, làm việc nhiều giờ không phản ánh đầy đủ năng suất và hiệu quả công việc. Ở những quốc gia phát triển, lao động được hỗ trợ bởi công nghệ và máy móc, tỉ lệ thất nghiệp thấp (công việc được chia sẻ đồng đều hơn) nên có thể tạo ra năng suất cao hơn so với những quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên lười biếng. Đơn giản vì nếu năng suất đã không cao lại còn lười thì bạn sẽ chẳng bao giờ "ngóc đầu" lên nổi.

Quảng cáo

Theo cafebiz

Người đăng

Bảo Mi

Bảo Mi

Chia sẻ là cách tốt nhất để học và làm cuộc sống tốt đẹp hơn.


Là thành viên từ ngày: 26/07/2015, đã có 1.689 bài viết

Tài trợ

BÌNH LUẬN

Bạn cần đăng nhập để bình luận.
No Avatar

Chưa có bình luận nào cho bài này, tại sao bạn không là người đầu tiên nhỉ?

Bài viết khác

Học sinh Singapore học gì?
Giáo dục, đầu tiên là dạy làm người. Người có học là người biết cư xử, văn minh, nhân ái, trọng kỷ luật và trật tự xã hội. Đây là cốt lõi của giáo dục. Vô học hay có học, thể hiện qua cái này.

Vì sao làm mãi mà không bằng người hay nghỉ ngơi?
Bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi này với mình chưa? Hãy đọc câu chuyện của người thanh niên sau và tự tìm ra cách thay đổi cho mình nhé.

Người biết đặt nền móng thành công nhất định sẽ có phẩm chất này
Cùng bỏ công gánh nước trồng dưa suốt mấy chục năm, nhưng hai anh em lại nhận được thành quả khác nhau khi thu hoạch. Hóa ra sự khác biệt nằm ở chính hành động nhỏ này!

Có thể bạn cần

Nhân sinh điều gì không thể chờ, không cần sợ, không thể lựa chọn?

Nhân sinh điều gì không thể chờ, không cần sợ, không thể lựa chọn?

Nhân sinh vốn vô thường, rất nhiều sự tình trên đời con người chẳng thể nào nắm bắt được. Thế nhưng, sinh mệnh lại quá yếu ớt, chỉ một chớp mắt âm dương đã cách biệt, chẳng còn có cơ hội tương phùng.

Liên kết logo

Bàn phím trong mơ