Nhưng
Tony thì không thích nghề sư phạm, chỉ thích ngành xuất nhập khẩu. Vì mình nói tốt, viết tốt, tiếng Anh thành thạo, các ngôn ngữ khác học rất nhanh, ngoại hình cao ráo khỏe mạnh, đi công tác nhiều không bao giờ mệt, có khả năng đàm phán thương lượng tốt, thích đi đây đi đó, bạo dạn và không sợ hiểm nguy, thích nghi với mọi điều kiện sống từ ăn uống đến văn hóa, sẵn sàng lao động chân tay đóng hàng vào container thâu đêm suốt sáng…nên nếu làm ngành xuất nhập khẩu, các tố chất ấy sẽ phát huy cao nhất.
Năm lớp 12, trước quyết định học gì, bao nhiêu người lao vô góp ý. Ai biết gì góp nấy. Người bảo xây dựng, người bảo y dược, người bảo kỹ sư, người bảo sư phạm…Nhưng Tony chỉ nghe và nói “dạ con ghi nhận”, rồi âm thầm làm hồ sơ, thi vào ĐH ngành xuất nhập khẩu. Nếu rớt thì sẽ đi làm công nhân, hoặc học trung cấp nghề nào đó liên quan đến xuất nhập khẩu. Sau này ba má Tony biết Tony thi trường nào thì hạn nộp hồ sơ các trường khác cũng hết. Bạn bè Tony lúc đó nộp lúc 5 trường ĐH, ngành nghề lung tung cả, đậu gì học nấy, nếu đậu hết thì lựa trường có điểm chuẩn cao nhất mà học. Ba má Tony lúc đó rất buồn, nói miết, phân tích này nọ như không có tiền đi thi đâu, đậu cũng không có tiền mà lên thành phố học, con nghĩ lại đi. Mình không nghe thì giận hờn đủ kiểu, nói không hiếu thảo….
Tony một mình bắt xe lên thành phố đi thi, ở nhà quen của người bạn, mọi thứ lặng lẽ cho được việc của mình. Với cha mẹ, chữ “hiếu” trong thời đại mới có nghĩa là mình yêu thương họ, kính trọng họ, biết ơn họ, có trách nhiệm với họ, nhưng không có nghĩa là mọi thứ nhất nhất của họ mình đều nghe theo. Mình là một cá thể khác, độc lập. MÌNH LÀ NGƯỜI DUY NHẤT BIẾT RÕ MÌNH. Mình chỉ nói có 1 câu vầy mà ba má đành im lặng, không nói ra nói vào nữa, đó là “con lớn rồi, biết cái gì đúng cái gì sai. Ba má sinh con ra, nuôi con khôn lớn, con không lựa chọn được. Nên một lòng kính trọng yêu thương. Nhưng bây giờ con chọn nghề, sau này chọn vợ, chọn chỗ ở, chỗ làm, công việc…con xin phép được lựa chọn. Mọi lời khuyên của người khác con chỉ ghi nhận, kể cả ba má. Con sai lầm thì con sẽ trả giá, con không để người khác nuôi mình”. Thoạt đầu họ cũng bị sốc, vì quen hình ảnh một cậu bé ngoan hiền bé bỏng, tự dưng giờ ăn nói kiên quyết như vậy. Nhưng cuối cùng, dưới sự lì lợm bảo vệ quan điểm của mình, đất không chịu trời thì trời cũng phải đành chịu đất.
Để có thể tồn tại ở thành phố, trong 5 năm học ĐH, Tony không từ cái nghề gì mà làm ra tiền chính danh hợp pháp. Từ tiếp thị dầu gội đầu tới từng nhà đến bán nước mắm, đến làm lịch, đến phụ giữ xe, bán quán, mở cửa khách sạn... Năm cuối thực tập trong một công ty XNK thủy sản, lương chỉ có 800k đồng/tháng. Năm đó, dù có khách sạn 4 sao nhận làm tiếp tân trả lương 1.5 triệu (hồi đó vàng chỉ có 4-5 triệu/lượng) nhưng Tony kiên quyết từ chối. Sau này vừa tốt nghiệp, có đi phỏng vấn thử các tập đoàn đa quốc gia, lương 300 đô khởi điểm, nhưng Tony cũng đều từ chối cả. Bạn bè nói “mày là đứa khùng số 1 Việt Nam, mày gàn quá, dở người, ngu”. Thôi kệ. CHỈ MÌNH HIỂU MÌNH. Vì mission của đời mình là XNK, là mua của Nga bán cho Pháp, mua của Nhật bán cho Mỹ...nên phải tích lũy kinh nghiệm. Còn lương bổng, tiền bạc thì bao nhiêu sống chẳng được.
Ngày tốt nghiệp, Tony xin công ty nghỉ làm 1 ngày để đi nhận bằng. Tối đó, đem cái áo cử nhân về nhà bỏ vô tủ, tự nhiên mất ngủ. Ngồi ngẫm nghĩ lại quãng đời sinh viên của mình, thấy bàn tay chai sạn hết, và còn dư được 3 cây vàng. Ngồi mân mê, nhớ những lần đi giữ xe đạp bị ăn trộm mất phải đền, ngồi khóc cả tiếng đồng hồ ở sân vận động Tao Đàn. Rồi những lần đi bán hàng dầu gội đầu, đạp xe rần rật chạy vạy trong mưa, trong nắng, leo lên các chung cư gõ cửa tiếp thị bị chủ nhà ra đuổi, chửi mắng sỉ nhục đủ kiểu, Tony thấy 3 cây vàng này giá trị ghê gớm. Trong đầu lúc đó cũng suy nghĩ, hay là đổi chiếc xe máy mới. Nhưng nghĩ lại, bạn bè mình bây giờ cũng vừa tốt nghiệp, tay trắng cả, mình cũng tay trắng luôn đi, chứ tự nhiên xuất phát điểm của mình vượt trội thế này coi sao được.
Tony quyết định xách ba lô đi xuyên Việt một chuyến, tới vùng đất nào đẹp thì ở lại lâu, không đặt trước khách sạn hay tàu xe gì cả, tự ứng phó cho thêm phần thú vị. Sáng hôm sau, Tony ra tiệm vàng Mi Hồng bán hết, gửi vô ngân hàng nông nghiệp, tới đâu cũng rút được vì hệ thống ngân hàng này có tới từng huyện.
Cái ra ga mua vé tàu đi Huế, liên hệ bạn bè coi có ai về Huế làm việc không. Đêm trăng ra biển Thuận An tắm, rồi Vĩ Dạ Thanh Long chi cũng ghé thăm. Rồi đi Quảng Bình nằm dài trên bãi biển Nhật Lệ, vô Quảng Trị ngồi nhậu nghêu với mấy ông đánh cá ở Cửa Tùng, chèo thuyền trên sông Thạch Hãn, đi coi động Phong Nha Kẻ Bàng với dòng sông Son huyền thoại. Rồi đi vô Hội An, chiều chiều đạp xe xuống Cửa Đại ăn cháo đậu xanh giò heo, “núa giọng Quoảng” trêu chọc mấy chị bán hàng. Đi Mỹ Sơn với tour du lịch của bọn Tây ba lô. 5 năm cày cuốc, mấy đồng đó là bao mồ hôi nước mắt của một đời sinh viên, coi như “tạm biệt gấu Misa nhé, mai em vào lớp 1 rồi”, thôi xài hết. Sau này mình đi làm sẽ có rất nhiều tiền, Tony luôn trong lòng nghĩ như vậy, tập tính buông bỏ cho nó hào sảng. Nên mặt vẫn cứ hất lên trời. Sau khi cả tháng lang thang chơi ớn rồi, thôi vô lại Sài Gòn, lần này không đi tàu lửa nữa, sợ ngồi ê mông. Bữa ở sân bay Đà Nẵng chuẩn bị check-in, trong túi còn đâu có hai ba chục ngàn, thay vì mua dĩa cơm ăn, Tony mua luôn thanh kẹo chewingum nhai nhóc nhách cho vui miệng. Tới sân bay Sài Gòn lúc nửa đêm, nhắn tin bạn M ra đón trong tình trạng “không xu dính túi”.
Cuộc sống sau đó sang trang với việc làm trong một tập đoàn lớn của Nhật, cũng trong ngành xuất nhập khẩu. Rồi bị đuổi việc do công ty tái cơ cấu không cần vị trí đó nữa. Ra riêng buôn bán được 1 năm, để dành được 7000 USD, Tony quyết định tham gia hội chợ London để có khách xuất khẩu, sẵn đi chơi châu Âu cho biết. Đó là canh bạc lớn nhất của Tony, vì lúc đó, 7000 USD là có thể mua 1 miếng đất nhỏ ở Thủ Đức. Người thân nói mày chưa có nhà có cửa, sao không mua miếng đất phòng thân, an cư mới lạc nghiệp. Họ phân tích việc tìm khách chưa chắc có, mà riêng vé máy bay đi Anh khứ hồi đã là bao nhiêu đô, một gian hàng nhỏ hết bao nhiêu đô, rồi khách sạn bèo nhất ở London cũng cả trăm bảng, rồi phải ra Hà Nội phỏng vấn visa nữa...2 chuyến bay ăn ở ...mà chưa biết có visa không. 7000 USD chỉ có khoảng 4000 bảng, bằng lương 1 tháng của người ta bên đó. Đừng đi, nghe lời anh. Đừng đi, nghe lời chị. Ba má nghe nói đi nước ngoài cũng gọi điện vô cản. Một hai bắt Tony vô ngân hàng làm để ỔN ĐỊNH. Nhưng Tony không thích ổn định. Ổn định để làm gì, tính cách mình bùng nổ như vậy mà “sáng chiều chỉ có 1 việc giống nhau, lặp đi lặp lại thì 3 ngày đã héo hon mà chết”. “Có phúc làm quan, có gan làm giàu”, xưa nay người ta đúc kết vậy rồi. Những đội thương thuyền người Hà Lan, người Hoa, người Ấn đến Hội An, Vân Đồn... từ thế kỷ 15-16, tàu gỗ với mấy miếng vải buồm, sóng to gió lớn thế nào chả biết vì có dự báo thời tiết gì đâu, bỏ mạng trên biển là bình thường. Nhưng như vậy thì người ta mới giàu, mới có các con đường tơ lụa lưu thông hàng hóa quốc tế. Mình cứ sợ không dám đi đâu, thì chỉ ngồi sau lũy tre vớt bèo nuôi lợn, mất gà thì chửi hàng xóm, thèm đạm thì đập chết con Vàng nấu rựa mận lá mơ lông, mua chiếc Dream thì dựng trước cửa lau chùi miết, ngó coi có ai ngang qua thì kêu vô thăm quan “tài sản”. Mệt mệt mệt, mình khác…
Tony chưa bao giờ sợ mất tiền, mất thì làm lại. Ngày xưa mình lên thành phố ngủ công viên để thi đại học còn được, giờ thời thế đổi thay, mình không đi hội chợ quốc tế thì làm sao có khách mà xuất khẩu? Lúc phỏng vấn visa đi Anh, nhân viên đại sứ nói mày trẻ măng, đẹp trai, lại hoạt ngôn lanh lợi, vợ con chưa có, tiếng Anh tốt như vậy nguy cơ ở lại rất cao, mày hãy chứng minh là mày sẽ trở về Việt Nam. Tony trề môi dài cả thước, nói tao không hài lòng về câu hỏi này. Tao là một doanh nhân trẻ của một đất nước độc lập, tụi mày phải tôn trọng chứ sao hỏi kỳ vậy. Tụi nó sợ quá, mặt tái ngắt, gập đầu nói Ok sir, your visa will be approved. Cái nó hẹn 3 ngày sau tới lấy, Tony liền nói tao cũng không hài lòng về câu trả lời này. Tụi nó bu lại hỏi ủa sao không hài lòng miết vậy, cái Tony nói tao muốn chiều nay có luôn, vì tối tao phải về Sài Gòn, mai phải bán phân. Nó nói ok ok, còn xin chụp hình chung, xin số điện thoại mà Tony đâu có cho. Dễ gì cho.
Thế rồi Tony mới sang London, thuê 1 gian hàng có mấy mét vuông, bày hàng hóa của mình ra, vài gói phân bón mẫu, mấy tờ leaflet in màu lòe loẹt. Bận cái “áo vét chú rể” đi thuê ở hiệu cho thuê đồ cưới ở cầu Thị Nghè, đeo cái cà vạt màu kem, cứ thấy cây phong nào ra lá vàng là đứng chụp hình. Giờ nhìn cái hình cũ chụp chỗ Stamford Bridge mà cười muốn rụng rốn, nhìn quê lòi. Chỉ có gương mặt là hết sức thanh tú, gặp ai cũng nhảy ra “hello, welcome to Vietnam” nên khách bu lại coi. Tony chuyện trò bằng thứ tiếng Anh trong Chim Lai 1 (Streamlines 1), tụi nó nói Your English seems like something in a book published long time ago (ý nói mày nói tiếng Anh trường phái cổ kính). Nhưng khách quốc tế nể phục lắm, vì mới có hai mấy tuổi đầu mà tự mình mang hàng sang rao bán, ghi trên danh thiếp là “founder/owner” thì “không phải dạng vừa đâu”... (còn tiếp)